Ngày trở về…
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:16, 07/09/2015
Có lẽ trường hợp Hoàng Văn Tiến (SN 1965) ở Mai Châu, Hòa Bình - người vừa kết thúc án tù gần 20 năm tại Trại giam Vĩnh Quang - sẽ là đề tài của một cuốn phim hơn là một câu chuyện răn đời. Cách đây 18 năm, bị bắt quả tang khi đang vận chuyển 36,7kg thuốc phiện trên chính chiếc xe khách do mình lái tại huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), Hoàng Văn Tiến bị tuyên án tử hình. Nhưng việc thi hành án phải hoãn tới 8 năm không thực hiện được khi cơ quan công an không thể lần tìm ra manh mối đường dây phạm tội của Tiến. Rồi tử tù này được miễn giảm xuống án chung thân. Từ chung thân nhờ cải tạo tốt nên dịp 30-4-2015 kỷ niệm 40 năm ngày non sông thu về một mối, Hoàng Văn Tiến lại được giảm án từ chung thân xuống tù có thời hạn và dịp 2-9 kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, phạm nhân này lại có tên trong danh sách được đặc xá…
Niềm vui ngày trở về trước cổng Trại giam Vĩnh Quang. |
Như được sống lại lần thứ hai, kể từ khi biết là mình thoát án tử hình, Hoàng Văn Tiến chăm chỉ lao động cải tạo để mong được làm lại cuộc đời lần nữa. Sẵn tay nghề thợ sửa xe ô tô bậc 3/7 nên hễ ở trại có việc gì liên quan đến máy móc, từ hỏng cái quạt trong buồng giam đến cái bếp lò bị tắc…, phạm nhân Hoàng Văn Tiến đều xung phong thử tay nghề. Và lần nào anh động tay vào là máy móc lại chạy êm ro. Biết được "tài lẻ" của phạm nhân, Đại tá Trần Mạnh Hùng, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang đã rất tâm lý khi nhắc nhở quản giáo các phân trại lưu ý tới Hoàng Văn Tiến, sắp xếp cho người này được ở cùng với những phạm nhân thuộc loại "ngông nghênh" nhất và với những người có cùng hoàn cảnh phạm tội. Theo Đại tá Trần Mạnh Hùng, sự sắp xếp tưởng như bất hợp lý này hóa ra rất có lý khi chính sự cải tạo tốt của phạm nhân Hoàng Văn Tiến, chính câu chuyện phạm tội và việc anh ta đang được hưởng chế độ khoan hồng của Đảng, Nhà nước sẽ là bài học cho những phạm nhân khác chưa nhận thức ra sai lầm của mình trong quá khứ.
Đúng như cái nhìn tinh tế của người có thâm niên "ăn cùng, ngủ cùng" phạm nhân hơn nửa đời người của Đại tá Trần Mạnh Hùng, khi được chuyển về những buồng giam thuộc diện "cứng đầu" nhất trong trại, phạm nhân có vóc dáng nhỏ con, ăn nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ như Hoàng Văn Tiến nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm của cả chục phạm nhân khác để được bầu làm buồng trưởng.
Cả Trại giam Vĩnh Quang khi nhắc đến tên Ma Văn Thần và Triệu Văn Toan đều cảm thấy ghê sợ về tội ác mà hai thanh niên dân tộc này từng phạm phải. Ma Văn Thần người Tày, phạm tội giết người, cướp xe ôm. Biệt danh "vừa ma vừa thần" ra đời từ chính cái tên và tính cách lì lợm cả ngày không nói câu nào nhưng sẵn sàng lao vào đánh nhau với bất kỳ ai khi bất đồng ý kiến của Ma Văn Thần. Còn anh chàng người Dao tên Triệu Văn Toan đã dùng súng kíp bắn chết chính bố đẻ mình khi hai bố con cùng tranh nhau khẩu súng đó để vào rừng săn bắn. Vừa là người dân tộc không biết chữ, lại phạm tội khi còn rất trẻ nên cả Ma Văn Thần và Triệu Văn Toan đều không ý thức được môi trường trại giam là nơi cải tạo để làm lại cuộc đời. Nếp nghĩ đơn giản vào trại được cơm ăn hai bữa, áo mặc không phải lo, cộng với sức khỏe như vâm nên Thần và Toan cứ sống hồn nhiên như cỏ cây. Ngày cán bộ quản giáo xếp người tù đáng tuổi cha chú mình là Hoàng Văn Tiến ăn ngủ cùng phòng, Thần và Toan còn định "ra oai" tìm cách gây sự với người mới để thể hiện bản lĩnh. Cán bộ quản giáo cũng lường trước điều này và cũng trò chuyện để Hoàng Văn Tiến biết để đề phòng, nhưng chỉ thấy Tiến cười hiền khô như mọi bận và lặng lẽ ôm quần áo chọn đúng chỗ nằm giữa hai con "thú hoang" chưa được thuần dưỡng này. Không biết, những câu chuyện rủ rỉ hằng đêm, hằng ngày của anh Tiến thế nào mà cả Ma Văn Thần và Triệu Văn Toan một thời gian ngắn sau đã biết tự giác học đánh vần ê a... Giờ thì Ma Văn Thần và Triệu Văn Toan đều "nổi tiếng" hiền khô và giỏi cả tay nghề cơ khí khi được "bố Tiến" truyền cho nhiều kinh nghiệm. Ngày nào ba bố con cũng líu ríu bên nhau chụm đầu vào trang sách dạy kỹ thuật sửa ô tô được gửi vào để học nghề. Thần và Toan giờ đã biết đọc, biết viết thư dù nét chữ còn mộc mạc và cứng ráp như cây rừng mạnh mẽ vươn lên giữa cộc cằn sỏi đá…
Sức mạnh mang tên "tình yêu thương"
Cầu thủ bóng đá Nguyễn Văn Cường (SN 1994) ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc, người được đặc xá trong dịp này tại Trại Vĩnh Quang có lẽ là trẻ nhất. Hoàn cảnh phạm tội của Cường cũng thật trớ trêu. Cách đây 4 năm, sau một buổi liên hoan khi vừa nhận quyết định lên đá chính thức tại Đội tuyển bóng đá tỉnh Lào Cai, Cường đã không làm chủ được mình khi đưa cô bạn cùng phố vào nhà nghỉ làm chuyện người lớn. Câu chuyện vỡ lở, cô bạn chưa đủ tuổi vị thành niên nên Cường phải nhận án cho tội hiếp dâm trẻ em.
Phạm tội khi còn rất trẻ, lại đang có tương lai tươi sáng phía trước nên với Cường những ngày qua là những ngày phải đấu tranh tâm lý để tự hoàn thiện mình, để phấn đấu cải tạo thật tốt. Cường cho biết, những ngày đầu trong tù không đêm nào chợp được mắt, cứ nghĩ đến lứa bạn bè, lứa đàn em giờ có người lên đá cho Đội tuyển quốc gia được cả nước nhắc đến là lại tủi hổ úp mặt khóc rưng rức. Ngày mới vào trại, Cường rất lầm lì và cục tính, ai hỏi han hay trêu đùa cậu ta đều nổi cáu và nhiều lần phải nhắc nhở. Nắm được tâm lý phạm tội khi mới "17 bẻ gãy sừng trâu" của phạm nhân đặc biệt này nên Chỉ huy Trại giam Vĩnh Quang cử những cán bộ trẻ yêu thích thể thao và giỏi chuyên môn luôn luôn theo sát.
Trong trại không tổ chức cho phạm nhân đá bóng nhưng có môn đá cầu rèn luyện thể lực được nhiều người tù hăng hái tham gia, các giám thị cũng tạo điều kiện để Cường chiều chiều có mặt trên sân cầu. Sự cảm hóa bằng những hành động nhỏ nhặt nhất như mua thuốc cho Cường và động viên chăm sóc kịp thời khi cầu thủ này bị trầy xước hay đau ốm cuối cùng cũng gặt được trái ngọt. Trước đặc xá một ngày, phải trầm ngâm rất lâu như để thấm thía Cường bắt đầu giãi bày câu chuyện của mình: Em đếm từng ngày ở trong trại là 4 năm, 1 tháng, 21 ngày để thấm thía được tội của mình. Trước ngày về, em đã gửi một lá thư xin lỗi người bạn của mình và mong bạn và gia đình tha thứ. Em cũng không quên được người giám thị của mình là Trung úy Hoàng Huân đã là chỗ dựa rất lớn để em cải tạo tốt, làm lại cuộc đời. Quên sao được những lúc giữa đêm khi biết em trẹo chân vì tập thể thao, anh Huân còn đi từ nhà cách 20km để mang thuốc vào cho em, những lúc em buồn nhất đều có anh ấy chia sẻ những câu chuyện không đầu, không cuối… Nói đến những kỷ niệm đã qua, Cường bật khóc và thổ lộ, để có động lực vượt qua số phận, ngoài những chứa chan tình người trong Trại Vĩnh Quang, Cường còn có tình yêu lớn của người bạn gái hiện tại.
Khi chúng tôi hỏi có cần phải giấu tên người yêu trong bài viết, Cường rất vui cho biết, bạn gái cũng luôn muốn công khai tình cảm cả hai và luôn động viên sai lầm thì ai cũng mắc phải, quan trọng là có làm lại được hay không để mong Cường có ngày về cùng nhau đắp bồi hạnh phúc. Người con gái mà người tù Nguyễn Văn Cường nhắc đến tên là Oanh, sinh năm 1993, hiện đang là sinh viên khoa Kiến trúc, Viện Đại học Mở Hà Nội. Cường và Oanh quen nhau qua một người bạn khi cả hai còn đang học cấp 3. Dù còn rất trẻ nhưng tình yêu đó đã trải qua không ít bão dông để ngày càng lớn dần, thành chỗ dựa tinh thần cho cả hai cùng phấn đấu. Ngày Cường ra tòa, Oanh cũng có mặt và nói sẵn sàng tha thứ cho người yêu để mong ngày trở về. Yêu Cường, Oanh cũng phấn đấu thi đỗ đại học và cứ đều đặn, tháng nào cô sinh viên cũng có mặt thăm nuôi người yêu bằng những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa động viên. Tình yêu giản dị nhưng mang nhiều ý nghĩa bao dung hướng thiện đã trở thành động lực. "Ra đời, em sẽ cố gắng phấn đấu tìm việc làm để không phụ tình yêu của Oanh và gia đình, bạn bè dành cho" - Cường chia sẻ.
Đêm cuối cùng trong tù giữa bốn bức tường, những người được trở về càng thấm thía câu "một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài". Chia tay những người bạn tù, quanh ấm trà, họ ngồi hàn huyên đủ thứ chuyện. Hầu hết họ không chợp mắt được, có người đem gương ra soi chỉnh trang lại tóc tai, chuẩn bị bộ quần áo tinh tươm, có người cứ cười mãi, rồi úp mặt khóc mãi không thôi vì hạnh phúc. Những người như được sinh ra lần thứ hai như Hoàng Văn Tiến cứ ân hận mãi câu chuyện ở tù khi con còn rất nhỏ, đứa lớn mới 6 tuổi đứa nhỏ mới lên 3 vậy mà giờ đã lên ông ngoại và không biết gặp lại hơn 30 người thân lên đón có kìm được nước mắt. Còn người tù trẻ Nguyễn Văn Cường không ngủ, ngồi chụm đầu với những bạn tù khác, động viên họ ở lại phấn đấu và hẹn những người có cùng hoàn cảnh gặp nhau sau cánh cửa song sắt cùng dìu dắt nhau làm lại cuộc đời. Cánh cổng tương lai đã mở ra với những người có quá khứ lầm lạc trở thành những công dân có ích cho xã hội và gia đình. Đêm cuối chứa chan cảm xúc và những câu chuyện phấn đấu hoàn lương của họ sẽ mãi có ích cho những người ở lại...
Đại tá Trần Mạnh Hùng cho biết, điều cần nhất để cảm hóa những con người có quá khứ lầm lỡ chính là tạo cho họ một cơ hội để thấy được giá trị của tự do, của cái thiện. Trong điều kiện trại giam như vậy, chúng tôi xác định mỗi cán bộ quản giáo cũng như vai trò của cha chú, anh em trong gia đình gần gũi phạm nhân dạy họ những điều chân, thiện. Mong sao họ hướng thiện trở về với gia đình với cuộc sống. Trở về với đời thường như phạm nhân Hoàng Văn Tiến sẽ đi làm tại một xưởng sửa chữa ô tô, còn Nguyễn Văn Cường cho biết sẽ làm công nhân hoặc lái xe cho bố… Cuộc sống đâu phải cao sang, mơ ước giản dị về với đời của anh Tiến, anh Cường sẽ làm cho những người chưa được khoan hồng đợt này phấn đấu cải tạo tốt hơn nữa.