Thêm gánh nặng trước thềm năm học mới

Giáo dục - Ngày đăng : 06:21, 06/09/2015

(HNM) - Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới.

Khoản tăng không nhỏ

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc đối với toàn dân, bao gồm cả HSSV. Theo Luật sửa đổi, mỗi năm một học sinh phải đóng BHYT tương ứng với 4,5% mức lương cơ sở thay vì 3% như trước (tăng gấp 1,5 lần). Thêm một điểm mới nữa là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT HSSV sẽ theo năm tài chính (từ ngày 1-1 đến 31-12 của năm). Trước đó, thẻ BHYT HSSV được ghi theo ngày bắt đầu năm học, vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9.

Lý giải cụ thể về khoản BHYT tăng thêm này, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đối với HSSV tham gia BHYT đủ 12 tháng, số tiền đóng trong năm học 2015-2016 là 621.000 đồng. Theo quy định của Luật BHYT hiện nay, HSSV thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30%, như vậy các em phải đóng 434.700 đồng/năm, số còn lại sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Nếu thẻ BHYT hết giá trị sử dụng vào ngày 30-9 thì năm học này, HSSV sẽ phải đóng 15 tháng để được cấp thẻ BHYT có giá trị đến 31-12 năm sau với số tiền phải đóng là 543.375 đồng. Mức đóng này thể hiện sự công bằng với tất cả các đối tượng tham gia BHYT. Mặt khác, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được mở rộng nhiều (nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh). Vì vậy, mức đóng của người tham gia BHYT cũng phải mở rộng theo.

Tuy nhiên, so sánh với mức phí cũ là 289.800 đồng của năm học 2014-2015, khoản tiền mà HSSV sẽ mua BHYT trong năm nay là khá cao. Đầu năm học mới 2015-2016, khi nhận được thông báo này, nhiều phụ huynh bất ngờ khi mức đóng BHYT tăng gấp rưỡi so với năm học trước, nhất là với những gia đình kinh tế khó khăn, có đông con đi học. Chị Thanh Hà (ở 145 phố Ngọc Lâm, Long Biên) có 3 con đang trong tuổi ăn tuổi học, trong đó 1 bé trai đang học mầm non và 2 bé gái năm nay bước vào lớp 1 và lớp 4. Chị cho biết, theo thông báo về các khoản thu đầu năm học từ nhà trường, riêng tiền BHYT của 2 cháu lớn đã tốn tới gần 1,1 triệu đồng, trong khi còn nhiều khoản chi khác như: Sách vở, đồng phục, học phí...

Không chỉ phụ huynh học sinh mà ngay cả giáo viên cũng gặp "khó" với mức phí đóng BHYT năm nay. Giáo viên của một Trường Tiểu học ở ngoại thành Hà Nội cho biết, những trường ở vùng ven, đa số gia đình học sinh làm nông nghiệp hoặc lao động chân tay thì việc thu phí BHYT càng trở lên khó khăn. Dù thông báo thu phí BHYT đã được gửi đến phụ huynh trước ngày khai trường một tuần nhưng đến nay rất ít phụ huynh đến nộp cho con. Thậm chí, không ít gia đình hoãn đóng với lời hẹn khi nào có tiền mới đóng…

Có thể đóng bảo hiểm theo giai đoạn để giảm gánh nặng

Việc nâng mức đóng BHYT theo lý giải của bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), là để nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Từ đó, quyền lợi HSSV được bảo đảm hơn, kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng được nâng lên. Đến năm 2016, giá viện phí và dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng. Khi đó, nếu người dân không có thẻ BHYT sẽ rất tốn kém mỗi khi khám, chữa bệnh.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, dù ở cấp học tiểu học hay đại học thì các khoản phí đầu năm cũng là một gánh nặng đối với rất nhiều gia đình, nhất là những gia đình ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Để giảm gánh nặng về các khoản phí đầu năm cho phụ huynh HSSV, tùy điều kiện và quy định cụ thể, các địa phương có thể chia nhỏ thời gian đóng BHYT của các em là 3 tháng hoặc 6 tháng. Những HSSV thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, các em có quyền tham gia BHYT theo hộ gia đình để được nhà nước hỗ trợ mức cao hơn (người nghèo được hỗ trợ 100%, người cận nghèo được hỗ trợ 70%). Việc thực hiện tùy theo lựa chọn linh hoạt của các trường, các địa phương. "Tới khi giá viện phí được điều chỉnh, phần ngân sách nhà nước cấp cho các bệnh viện sẽ chuyển sang hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân, lúc đó có thể mức đóng BHYT của nhóm HSSV sẽ giảm", ông Phạm Lương Sơn cho biết.

Mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ đạt 100% số HSSV cả nước tham gia BHYT. Tuy nhiên, tính đến nay vẫn còn khoảng 15-20% HSSV chưa tham gia BHYT. Khi chi phí mua BHYT tăng sẽ là thách thức lớn của những người làm công tác bảo hiểm. Dù trên thực tế, đối tượng HSSV thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT nhưng vẫn có nhiều trường hợp không tham gia BHYT. Bởi các chế tài quy định trong Luật BHYT rất khó áp dụng được đối với HSSV. Để bảo đảm việc đóng BHYT HSSV không là gánh nặng với các gia đình khó khăn, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các Sở GD-ĐT tham mưu đề xuất với UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành. Trong năm học 2015-2016, tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV cũng được coi là một trong những chỉ tiêu thi đua của các trường.

Thu Trang