Kịch bản Maidan đang lặp lại

Thế giới - Ngày đăng : 06:00, 06/09/2015

(HNM) - Gần 2 năm sau cuộc cách mạng có tên Maidan, một lần nữa người dân Ukraine lại phải chứng kiến cảnh sát chống bạo động ở Kiev đối mặt với đoàn biểu tình cuồng nộ và giận dữ.



Đã có 3 người thiệt mạng và đến 140 người bị thương. Đảng Cấp tiến tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền và chuyển sang phe đối lập. Nghị sĩ của đảng này, ông Valery Voschevsky, cũng đã rút khỏi vị trí Phó Thủ tướng trong chính phủ của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân mâu thuẫn là những thay đổi Hiến pháp vừa được Quốc hội Ukraine thông qua nhằm mở đường cho việc cấp quy chế tự trị đối với các khu vực miền Đông. Nhiều nhà lãnh đạo Ukraine và Liên minh Châu Âu coi đây là mấu chốt để giải quyết cuộc đối đầu giữa Kiev và lực lượng đòi ly khai, từ đó có thể tháo gỡ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine. Tuy nhiên, các thành phần cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc tại Ukraine lại cho rằng, hành động của Kiev đồng nghĩa với việc đầu hàng trước nước láng giềng Nga.

Lực lượng cánh hữu tấn công cảnh sát và vệ binh quốc gia Ukraine bằng lựu đạn khói.


Rạn nứt sâu sắc giữa Chính phủ Ukraine với các đảng cánh hữu báo hiệu một giai đoạn mới nguy hiểm trong cuộc khủng hoảng ở nước này. Vì đây không phải là mâu thuẫn đầu tiên giữa Kiev và lực lượng cực đoan. Thời gian gần đây, rất nhiều lần, các thành viên của những nhóm diều hâu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã dọa dẫm thực hiện một cuộc cách mạng Maidan thứ hai lật đổ Kiev. Cách đây chưa đầy hai tháng, đụng độ cũng xảy ra giữa các đảng cực hữu Right Sector và lực lượng an ninh Ukraine ở Mukachevo, thành phố nằm sát biên giới Slovakia và Romania.

Nguyên nhân được cho là cuộc tranh giành địa bàn hoạt động giữa Right Sector và các nhóm lợi ích tại Ukraine - một vấn đề đã được cảnh báo ngay sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych đầu năm 2014. Trong bối cảnh tình hình miền Đông vẫn căng như dây đàn, mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Chính phủ Ukraine với các phe nhóm cực hữu không khỏi khiến dư luận lo ngại, nhất là khi các phe nhóm này liên kết với nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại Right Sector được cho là nhóm cực hữu nắm trong tay những "con bài" có thể phá hoại giải pháp hòa bình cho Ukraine. Trên thực tế, đây là một đội quân nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ nhưng lại là những chiến binh thực thụ đã được đào tạo chuyên sâu về sử dụng vũ khí và có khả năng độc lập chiến đấu trên chiến trường. Vào thời điểm cách mạng Maidan diễn ra, các đảng phái đối lập đã phải dựa khá nhiều vào sức mạnh của Right Sector để lật đổ Tổng thống V.Yanukovych. Nhưng đến nay, bất đồng quan điểm giữa nhóm cực hữu này với Chính phủ có thể trở thành thách thức nghiêm trọng đối với các mục tiêu bình ổn ở Ukraine.

Dù Right Sector vẫn chỉ được xem như "đứa con bị bỏ rơi" của cách mạng Maidan khi thảm bại nặng nề trong cuộc bầu cử Quốc hội, thế nhưng, thời gian gần đây, kể từ khi công khai chỉ trích chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko, tỷ lệ dư luận ủng hộ Right Sector đã tăng lên một cách đáng kinh ngạc. Trong bài phát biểu trước đám đông gần đây, thủ lĩnh tổ chức này Dmytro Yarosh tuyên bố tỷ lệ người ủng hộ Right Sector đã tăng từ 1,8% vào tháng 10-2014 lên 5,4%. Mục tiêu mà đảng cực hữu này đang theo đuổi là yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân bất tín nhiệm Quốc hội, nội các và Tổng thống; yêu cầu hủy bỏ thỏa thuận Minsk đạt được vào tháng 2 vừa qua; hợp pháp hóa các tiểu đoàn tình nguyện; không tham gia các cuộc bầu cử địa phương tổ chức vào tháng 10 tới... Nếu tổ chức này không thể tiến hành cuộc trưng cầu dân ý, họ sẽ tìm cách thành lập Ủy ban bầu cử trung ương (CEC) của riêng mình để tự tiến hành bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ.

Theo các nhà phân tích, tỷ lệ ủng hộ dành cho Right Sector gia tăng là do những chuyển biến tại Ukraine kể từ khi Tổng thống V.Yanukovych bị lật đổ diễn ra quá chậm chạp. Khó khăn về kinh tế cùng những bất ổn về xã hội luôn rình rập khiến người dân cảm thấy chán nản. Hiện tại, mức độ tín nhiệm dành cho Tổng thống P.Poroshenko chỉ còn khoảng 20%, giảm mạnh từ con số 55% mà ông từng có được trong cuộc bầu cử hồi tháng 5-2014. Nếu không có những biện pháp nhằm nhanh chóng thay đổi tình hình, tương lai chính trị của "Ông vua sôcôla" có nhiều nguy cơ rơi vào vòng nguy hiểm trong khi đất nước bên bờ Biển Đen lại thêm một lần đứng trước bờ vực của một cuộc xung đột huynh đệ tương tàn.

Quỳnh Dương