Không gian mở cho nghệ thuật truyền thống

Văn hóa - Ngày đăng : 07:00, 05/09/2015

(HNM) -


Đó là một đợt diễn đặc biệt trong những ngày tháng 9 này, tại các đình làng của Thủ đô, được thực hiện bởi Nhà hát Chèo Việt Nam với những nghệ sĩ chuyên môn cao và tổ chức "Tôi xê dịch" gồm các bạn trẻ 9X, 10X.

Cần có thêm nhiều đất diễn và cơ chế để phát huy và bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống.



Nhắc đến "Tôi xê dịch" hẳn nhiều người còn nhớ đến đêm "Windy Day 9 - Tiếng vọng ngàn năm" diễn ra tại đình Kim Liên hai năm về trước, tái hiện một đêm chèo sân đình nguyên bản. Hứa là sẽ có nhiều chương trình như vậy nữa nhưng bẵng đi một thời gian dài, tưởng rằng các bạn đã bỏ cuộc. Nguyễn Thị Thu Hà, sáng lập viên dự án giải thích trong lần trở lại này: "Thời gian im ắng là để tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật chèo, để thực hiện phiên bản mới độc đáo, sáng tạo và bùng nổ hơn".

Đợt biểu diễn "Tiếng trống chèo 2015" tái hiện nguyên vẹn loại hình chèo sân đình để khán giả, nhất là những người cao tuổi được sống lại không khí tưng bừng, rộn rã mỗi lần "ra đình xem hội", còn người trẻ thì có cơ hội tiếp cận tinh hoa nghệ thuật chèo một cách chân thực. Như trong cuốn "Về nghệ thuật chèo", tác giả Trần Việt Ngữ viết về sắp đặt chèo sân đình: "Khán giả ngồi kín ba mặt sát sạt sân khấu, thấy rõ cả dàn nhạc và các vai chèo sắp diễn… Chỗ diễn trải đôi chiếu rộng khổ, có tấm màn đỏ nhuộm vỏ dà ngăn chắn với "buồng trò" - nơi nghệ nhân chuẩn bị hóa trang, phục trang, để đạo cụ".

Sân khấu và khán đài của đợt diễn sẽ được xây dựng theo hướng ấy. Sân khấu ba mặt rộng mở, một chiếu chèo chính giữa là không gian diễn tấu của "nhà nghề", phường bát âm với trống, thanh la, sáo, đàn nhị, đàn bầu… ngồi chéo hai bên. Với dạng sân khấu "mở" ấy, khán giả sẽ gần hơn với nghệ sĩ, sự tương tác, giao tiếp nhiều hơn, tạo cảm giác như được tham gia, là một phần trong đêm diễn.

Tiếp đến là phần nội dung, nhóm xác định sẽ xây dựng chương trình tổng hợp, thỏa mãn được cả "người mới" lẫn "người cũ" của chèo. Bước vào không gian của đêm diễn, khán giả sẽ được cung cấp những hiểu biết cơ bản về 5 tuyến nhân vật điển hình trong chèo là "Đào - Kép - Lão - Mụ - Hề" và hình dung được không gian văn hóa đêm hội chèo ở đình làng Bắc Bộ qua bộ tranh minh họa của họa sĩ JeetzDung. Đến phần biểu diễn, ban đầu, khán giả gặp cả "làng chèo" khi các nhân vật kinh điển như Thị Mầu, Xúy Vân, Tiểu Kính Tâm, Mãnh Ông, Mụ Sùng, Lưu Bình, Dương Lễ… cùng xuất hiện với một tiết mục làm toát lên đặc trưng của từng gương mặt. Và, cuối cùng là các trích đoạn nổi tiếng trong một vở chèo cổ được thể hiện chuẩn mực.

"Tiếng trống chèo 2015" gồm 3 đêm diễn hoàn toàn miễn phí, diễn ra vào thứ bảy ở những đình làng khác nhau của Thủ đô với phần biểu diễn trích đoạn có sự thay đổi, "để người yêu thích có thể theo cả đợt diễn mà không thấy nhàm chán" - lời chia sẻ của chủ nhiệm dự án Thu Hà. Theo lịch thì đêm diễn đầu tiên là ngày 5-9, tại Đình Tháp (Dịch Vọng, Cầu Giấy) với trích đoạn "Quan Âm Thị Kính"; đêm thứ hai vào ngày 12-9 tại đình Tứ Liên (đường Âu Cơ, Tây Hồ) với trích đoạn trong "Lưu Bình - Dương Lễ"; đêm cuối vào ngày 19-9, tại đình Xuân Tảo (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) với trích đoạn "Kim Nham".

Tham gia dự án này, các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam không nhận thù lao mà còn hỗ trợ rất nhiều về mặt chuyên môn, công tác tổ chức cho phía thực hiện. NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam nói: "Bước ra khỏi không gian đóng hộp trong nhà hát để trở về với sân khấu nguyên bản của chèo phục vụ quần chúng nhân dân, đó cũng là dự định lâu nay của chúng tôi. Hơn nữa, được kết hợp với những người trẻ, cùng họ thu hút giới trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, thêm khán giả cho chèo, đương nhiên chúng tôi hết lòng ủng hộ".

Lại nhớ đến dự án "Chèo 48h" cũng được thực hiện bởi những người trẻ yêu chèo vào hè năm ngoái với nhiều hoạt động học tập và biểu diễn thu hút hàng trăm bạn trẻ yêu nghệ thuật chèo thế hệ 9X, 10X. Nếu có thêm nhiều người trẻ như thế, chèo ngại gì nỗi lo mai một!

An Nhi