Vé tàu điện tử: Nên nới thời gian cho khách điền thông tin cá nhân
Bạn đọc - Ngày đăng : 06:47, 05/09/2015
Không ít người vẫn chưa quen với hình thức mua vé qua mạng. |
Ngay từ trước khi triển khai giai đoạn 2, ngành Đường sắt đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng; trình chiếu video clip hướng dẫn thao tác mua vé qua trang web tại các nhà ga, các điểm bán vé; treo poster, phát hành tờ rơi hướng dẫn, băng rôn quảng cáo và phát thanh tại các nhà ga, các điểm bán vé và các nơi công cộng thích hợp. Đồng thời, bố trí nhân viên trực tổng đài trực tuyến sẵn sàng tư vấn cho hành khách khi cần thiết. Tuy nhiên, do đây là cách thức bán vé tàu mới nên với số đông hành khách, đặc biệt là lứa tuổi trung niên trở lên còn không ít bỡ ngỡ.
Ngày 4-9, tôi có truy cập vào website www.dsvn.vn để đặt vé tàu đi chặng Hà Nội - Vinh (Nghệ An). Về cơ bản, giao diện trang web đơn giản, giúp hành khách dễ tiếp cận để tìm hiểu thông tin. Song, do chưa thực sự thuần thục với việc đặt vé trực tuyến nên thao tác điền các thông tin theo yêu cầu (họ tên, số chứng minh nhân dân, đối tượng mua vé, email) của tôi hơi chậm. Đến khi điền đủ thông tin thì hệ thống thông báo: "Vé hết thời gian giữ, không còn trong giỏ vé". Chưa kể, trong quá trình thao tác thỉnh thoảng lại có thông tin từ hệ thống thông báo truy cập bị mã lỗi. Tôi có liên lạc lại với nhân viên tư vấn online của hệ thống thì được giải thích là quá trình thao tác điền thông tin hành khách và chọn hình thức thanh toán chỉ diễn ra trong vòng 5 phút. Dường như khoảng thời gian 5 phút là hơi ngắn, nhất là đối với những người già, chưa quen với mua vé trực tuyến và những người mua vé cho cả gia đình phải khai báo nhiều thông tin. Tôi cho rằng, với mua vé trực tuyến máy bay, các hãng hàng không bố trí khoảng thời gian rất ngắn để cho khách hàng cạnh tranh, ai nhanh sẽ mua được rẻ, thì với tàu hỏa, mức giá người mua trước với người mua sau đều như nhau nên ngành Đường sắt cần nới thêm thời gian điền thông tin để hành khách có cơ hội mua được vé.
Tôi được biết, song song với bán vé tàu qua hệ thống điện tử, Tổng công ty ĐSVN vẫn triển khai các phương thức bán vé truyền thống tại ga và các đại lý nhằm giúp hành khách có thể mua được vé mọi lúc, mọi nơi. Mặc dù qua các phương tiện thông tin đại chúng, lãnh đạo ngành Đường sắt đều khẳng định hình thức mới này có nhiều ưu điểm, giúp hành khách có thể chủ động trong việc lựa chọn hành trình, chọn chỗ, đặt vé, thanh toán và in "Thẻ lên tàu hỏa" mà không phải ra ga tàu, mất thời gian chờ đợi để lấy vé như trước đây. Thậm chí, với những người không có máy in (ví dụ như sinh viên), chỉ cần lưu mã vé trên điện thoại, khi ra tàu, nhân viên nhà ga sẽ kiểm tra. Cách làm này cũng giúp loại trừ vé giả và hạn chế tình trạng "cò" vé. Tuy nhiên, do giai đoạn 2 mới chỉ đưa vào khai thác được vài ngày nên có thể chưa bộc lộ hết các điểm bất cập. Liệu có xảy ra các trường hợp trùng lặp về mã vé và "cò" vé lộng hành vẫn đang là một dấu hỏi. Do đó, hành khách mong muốn ngành Đường sắt liên tục công khai thông tin số lượng vé còn trên hệ thống và có cơ chế giám sát minh bạch, tránh tình trạng ngày thường thì dễ truy cập, dễ mua vé nhưng vào các giai đoạn cao điểm đường truyền lại bị "treo", bị "nghẽn".
Dịp cao điểm tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, trong khi các website của ngành Đường sắt thường xuyên bị "nghẽn", hành khách không thể truy cập thì ngay ở cổng ga Hà Nội vẫn có hiện tượng "cò vé" khẳng định sẽ mua được vé đúng tên tuổi, năm sinh và số chứng minh nhân dân nếu khách chịu mất tiền dịch vụ. Điều này khiến người dân băn khoăn, liệu hệ thống vé tàu điện tử bị can thiệp để làm lợi cho một nhóm người?