Mức tăng lương tối thiểu 12,4% là phù hợp?
Đời sống - Ngày đăng : 10:25, 04/09/2015
Con số đó là kết quả bỏ phiếu sau khi kết thúc phiên họp thứ 3 vào trưa ngày 3/9 của Hội đồng Tiền lương quốc gia với sự đồng ý của 14/15 thành viên (đạt tỷ lệ 92,8%). Cụ thể, đề xuất vùng I năm 2016 là 3.500.000 đồng, tăng 400.000 đồng so với năm 2015; vùng II là 3.100.000 đồng, tăng 350.000 đồng so với năm 2015; vùng III là 2.700.0000 đồng, tăng 300.000 đồng so với năm 2015 và vùng IV là 2.400.000 đồng, tăng 250.000 đồng so với năm 2015.
Lương là nguồn sinh sống chủ yếu của công nhân. Ảnh: Minh Bắc |
Tuy đại diện cả hai bên đều đã bỏ phiếu tán thành nhưng khi được hỏi thì cả Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lẫn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐ VN) đều không thật sự hài lòng với mức tăng đó. Bởi sau hai phiên họp trước TLĐLĐ VN vẫn giữ vững quan điểm phải tăng 16,8% còn VCCI chỉ đồng ý mức tăng 10%. Nhưng cuối cùng quyết mức tăng 12,4% quả là con số phù hợp cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động lúc này.
Bàn về Lương tối thiểu (LTT) một chuyên gia từ ILO cho rằng “việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu nên được thực hiện thường xuyên và căn cứ trên cả các yếu tố xã hội và kinh tế, ví dụ nhu cầu của người lao động và gia đình họ, chi phí sinh hoạt, khả năng chi trả của doanh nghiệp, mức năng suất lao động, tương quan giữa tiền lương tối thiểu và tiền lương bình quân cũng như mong muốn duy trì việc làm”. Và Bộ Luật lao động quy định mức “Lương tối thiểu” là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Theo Bản tin cập nhật về thị trường lao động vừa được công bố gần đây cho thấy phần lớn các doanh nghiệp trả lương cho công nhân đều cao hơn ngay cả mức lương tối thiểu vừa đề nghị cho năm 2016. Cụ thể, tiền lương của lao động trong doanh nghiệp Nhà nước là 6,9 triệu đồng/người/tháng. Tiền lương cho lao động trong đơn vị sự nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài quốc doanh lần lượt là: 5,8 triệu đồng, 5,5 triệu đồng và 5,2 triệu đồng. Mức lương thấp nhất được khảo sát thuộc về nhóm lao động trong khu vực tập thể (tổ đội, hợp tác xã) là 3,4 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập bình quân theo tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương quý I/2015 là 4,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 500.000 đồng so với quý IV/2014.
Như vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều trả lương cho người lao động không dưới mức LTT. Vì vậy, mức LTT năm 2016 hầu như chỉ có tác động đến vấn đề nộp các loại phí như bảo hiểm xã hội, y tế… của người lao động cũng như của doanh nghiệp vì đây là mức lương làm cơ sở đóng các loại phí bảo hiểm.
Với mức tăng của các vùng từ 250.000-400.000đ không có nghĩa là đến năm 2016 mọi người lao động hàng tháng đều nhận thêm được số tiền đó và nó cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm. Nếu có tác động thì nó cũng không quá lớn đối với các doanh nghiệp cũng như của người lao động cho mức đóng góp thêm các loại phí theo quy định. Tất nhiên việc đóng tăng BHXH lại có lợi cho người lao động khi về hưu. Theo một chủ doanh nghiệp thì quỹ lương đối với ngành sản xuất thường chiếm khoảng 20% giá thành sản phẩm, lợi nhuận khoảng 5% mà thôi.
Nếu như mức tăng LTT lớn hơn, nhất là trong bối cảnh chất lượng nhân lực của chúng ta còn thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chi phí thủ tục hành chính còn cao thì dễ dẫn tới khả năng làm giảm số lượng việc làm được tạo ra. Mặt khác, mức LTT cao tuy lợi cho người lao động đang có việc làm nhưng lại ảnh hưởng đến gần 50 triệu lao động đang còn làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc nông nghiệp với năng suất thấp. Nên nhớ, dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam khoảng 56 triệu người và chỉ khoảng gần 10 triệu người tham gia đóng bảo hiểm xã hội trong đó số người có thu nhập xoay quanh mức lương tối thiểu chỉ khoảng 3 triệu.
Hiện nay, số lao động trong doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 8 triệu người, trong đó số người có thu nhập xoay quanh mức lương tối thiểu chỉ khoảng 3 triệu, nhưng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam lên tới 55-56 triệu người. Vì thế, cùng với việc nâng cao lương tối thiểu, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động đang có việc làm, thì cũng không được làm mất cơ hội được gia nhập vào đội ngũ lao động trong các ngành công nghiệp của một phần không nhỏ trong số gần 50 triệu người hiện còn đang làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc nông nghiệp với năng suất thấp.
Một nghiên cứu từ một số nhà kinh tế nước ngoài lại cho thấy lương tối thiểu thấp hay cao trong dài hạn dẫn tới ảnh hưởng như thế nào là chưa rõ ràng, chính xác. Tuy nhiên, “một nguy hiểm rõ ràng là lương tối thiểu cao sẽ khiến nhiều nhân viên bị đẩy khỏi lực lượng lao động vĩnh viễn”. Còn nhà kinh tế học người Mỹ - Milton Friedman lại coi lương tối thiểu là một dạng phân biệt đối xử với công nhân tay nghề thấp.
Vì thế, với mức tăng LTT như trên hy vọng sẽ không làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia mà vẫn tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh, tạo việc làm nhiều hơn dẫn tới việc tăng lương cho người lao động từ thực lực doanh nghiệp. Việc tăng mức LTT sẽ không phải là cái cớ để làm tăng giá sản phẩm, ảnh hưởng đến đời sống người lao động…