"Tiếp sức" công nghiệp hỗ trợ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 04/09/2015
Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ tại TP Hồ Chí Minh, ngày 27-8. |
Theo ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, muốn phát triển công nghiệp mạnh và bền vững thì khâu then chốt là phải phát triển CNHT. CSID vừa được thành lập với kỳ vọng là một giải pháp thiết thực, tạo động lực cho ngành CNHT phát triển. Hoạt động đầu tiên của trung tâm ngay trong tháng 9 là triển khai chương trình hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp phát triển CNHT, theo đó hỗ trợ lãi suất cho vay vốn đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất với mức hỗ trợ 50-70% hoặc 100% lãi suất trong thời gian 5-7 năm, mức cho vay không quá 100 tỷ đồng/dự án.
Nguồn vốn từ lâu vẫn là nút thắt kìm hãm ngành CNHT vì dù TP Hồ Chí Minh đã có chính sách bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi vay trong đầu tư đổi mới công nghệ, hỗ trợ sản xuất nhưng theo khảo sát của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh thực hiện trong năm 2015, trên 50% doanh nghiệp được hỏi trả lời là gặp khó khăn về vốn vay, tiếp cận tài chính. Lý do là phần lớn các doanh nghiệp CNHT có quy mô vừa và nhỏ, vốn ít, tài sản thế chấp thấp nên không đủ điều kiện để vay vốn.
Bên cạnh nút thắt về vốn, khảo sát của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh trên 6 ngành công nghiệp chính và các hiệp hội ngành nghề liên quan cho thấy ngành CNHT còn gặp rất nhiều khó khăn và rào cản, từ cơ chế chính sách, thuế, đất đai, công nghệ… Theo đó, khoảng 30% DN trong lĩnh vực da giày, dệt may gặp khó khăn về mặt bằng khi muốn mở rộng quy mô sản xuất; giá thuê mặt bằng trong khu công nghiệp còn cao; hiện chưa có khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT để có thể thực hiện một cách thuận lợi các ưu đãi về giá thuê đất. Còn khi nói về thuế, ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh "kêu" rằng việc áp dụng thuế cho ngành Cơ khí là "ngược đời", "không giống ai" khi miễn thuế nhập khẩu cho thiết bị nguyên chiếc nhưng lại đánh thuế linh kiện nhập khẩu để sản xuất đến 7-15%. Điều này khiến cho ngành Cơ khí không sản xuất được vì hàng nhập khẩu rẻ hơn hàng sản xuất trong nước, khiến nhiều công ty trong đó có Công ty Duy Khanh dù ra đời 25 năm nay nhưng chưa "lớn nổi" bởi quá nhiều khó khăn vô lý….
Theo "Đề án phát triển CNHT TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020 định hướng đến năm 2025" do Ban Chỉ đạo phát triển CNHT TP Hồ Chí Minh thực hiện, thì giải pháp phát triển ngành CNHT trong thời gian tới sẽ bao gồm các chính sách: Ưu đãi vốn như cho vay lãi suất thấp và ngân sách TP Hồ Chí Minh hằng năm cần dành ra một khoản để cấp bù lãi suất vay; miễn, giảm thuế đối với hàng nhập khẩu ngành CNHT ưu tiên; hỗ trợ mặt bằng với chi phí sử dụng đất phù hợp; phát triển thị trường kết nối cung cầu, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp CNHT kết nối quốc gia; chính sách phát triển công nghệ và hỗ trợ đào tạo nhân lực. TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tập trung khuyến khích bốn ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực, thực phẩm và hai ngành truyền thống là dệt may và da giày; đặc biệt là ngành cơ khí vì là ngành cung cấp máy móc thiết bị, linh phụ kiện và công cụ cho tất cả các ngành công nghiệp trên. Đây cũng là ngành còn phải nhập khẩu nhiều hơn các ngành khác. Cụ thể với ngành may, máy móc các loại như máy dệt, máy may kéo sợi phải nhập khẩu 100%; các loại kim khâu, đan, móc, thêu cũng nhập khẩu 76-86%; các loại đinh vít, then cài, đinh ốc, vòng đệm có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn nhưng nhập khẩu vẫn chiếm đến 68%... Máy móc ngành Da giày cũng gần như phải nhập khẩu hoàn toàn, các doanh nghiệp cơ khí trong nước chỉ chế tạo được một số thiết bị thông thường và đơn giản như máy chặt thủy lực, băng tải với tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 10%!