Phải có công nghệ bảo quản tiên tiến

Kinh tế - Ngày đăng : 06:42, 04/09/2015

(HNM) - Năm 2015 được đánh giá là năm thành công nhất từ trước tới nay của Bắc Giang trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ vải thiều với doanh thu khoảng 4.600 tỷ đồng. Thành công này có được, một phần quan trọng là nhờ vào việc áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất,

Vải thiều Bắc Giang tiêu chuẩn VietGAP cho giá trị cao.



Được mùa, được giá

Nhìn lại vụ vải vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2015 được đánh giá là năm vải thiều bán được giá cao nhất so với 5 năm trở lại đây. Giá bán thấp nhất từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm được bán với giá trên 30.000 đ/kg; đến cuối vụ, giá dao động trong khoảng 8.000-18.000 đồng/kg. Giá trung bình trong phạm vi toàn tỉnh là 15.000 đồng/kg, cao hơn giá bán trong năm 2014 khoảng 3.000 đồng/kg. Trong tổng diện tích trồng vải trên 31.000ha, riêng diện tích vải thiều sớm đạt 6.000ha, cho sản lượng 26.700 tấn, chiếm 13,6%. Vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 80.000 tấn. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo đưa 100ha vải thiều vào sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, cho sản lượng 600 tấn để xuất khẩu sang các thị trường mới. Điều đặc biệt là trong mùa vải năm nay, vải thiều tươi của Bắc Giang lần đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường mới như Mỹ, Australia, Pháp, Anh, Malaysia…

Một trong những thuận lợi của mùa vải tại Bắc Giang năm nay là có sự vào cuộc của "nhiều nhà" trong việc đưa quả vải ra thị trường. Nhà nông, nhà khoa học đã tích cực chuyển giao, ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) đối với cây vải thiều. Điều này giúp chất lượng quả vải tăng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, bảo đảm các điều kiện cần thiết để việc mua, bán vải thiều được thuận lợi. Thực tế cho thấy nhiều siêu thị lớn như BigC, Co.opmart… tổ chức chương trình khuyến mãi hỗ trợ tiêu thụ vải thiều. Hãng Hàng không Vietnam Airlines chọn vải thiều làm món tráng miệng cho thực khách trên hơn 1.000 chuyến bay. Đó đều là những giải pháp hỗ trợ tích cực cho việc tiêu thụ và quảng bá sản phẩm vải thiều.

Trong vụ mùa vải thiều năm 2015, ngoài doanh thu từ vải, điểm sáng khác là hoạt động dịch vụ hỗ trợ sản xuất tiêu thụ vải cũng diễn ra sôi động, như sản xuất và cung ứng xốp, sản xuất nước đá công nghiệp, cung ứng điện, hoạt động vận chuyển, nhân công bốc xếp... Những hoạt động này không chỉ mang lại thu nhập cho người lao động, mà còn góp phần bảo đảm chất lượng quả vải và nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm.

Thành công với công nghệ bảo quản tiên tiến

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang Phan Văn Hùng, để có được thành công trong vụ mùa vải thiều năm 2015, Bắc Giang đã nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Theo đó, trong công tác chỉ đạo lựa chọn công nghệ bảo quản, ngoài các biện pháp bảo quản truyền thống, Sở KH&CN Bắc Giang đã tham mưu cho tỉnh triển khai các hội nghị, hội thảo giúp các doanh nghiệp lựa chọn công nghệ bảo quản phù hợp với chế biến, xuất khẩu vải thiều; tổ chức hội thảo ứng dụng công nghệ canh tác tiên tiến trong sản xuất và dây chuyền xử lý không xông SO2 bằng công nghệ của Israel. Bộ KH&CN đã phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp quốc gia Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của Công ty Jural (Israel) bảo quản tươi quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu tại Bắc Giang…

UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở KH&CN Bắc Giang phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH&CN) xử lý 5 tấn vải thiều tươi bằng công nghệ CAS (hoạt động theo nguyên lý kết hợp giữa đông lạnh nhanh ở nhiệt độ -45 độ C với từ trường). Số vải thiều này được bảo quản tại Hợp tác xã Bình Minh nhằm phục vụ công tác quảng bá, giới thiệu vải thiều tươi vào thời gian giữa hai vụ vải. Sở cũng phối hợp với các ngành, UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên đã… tiếp tục duy trì, phát triển nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm vải sớm Phúc Hòa, chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn… Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn đã được cấp bằng bảo hộ tại 5 quốc gia gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản và đang tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp với phía Mỹ, Australia, Malaysia và Singapore.

Trong năm qua, Bộ KH&CN là đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất, bảo quản vải thiều tại Bắc Giang. Tại hội nghị tổng kết sản xuất vải thiều năm 2015, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ sẽ sớm phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng công nghệ của Công ty Jural bảo quản tươi quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu tại Bắc Giang. Đồng thời, Bộ sẽ hỗ trợ tỉnh Bắc Giang công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trong việc trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn.

Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong công tác chiếu xạ, giảm chi phí vận chuyển, Bộ KH&CN đã tiến hành nâng cấp hệ thống chiếu xạ tại Hà Nội, đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu. Bắt đầu từ năm 2016, các doanh nghiệp xuất khẩu vải có thể triển khai chiếu xạ tại Hà Nội thay vì phải vào phía Nam như trước. Ngoài ra, thông qua các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, Bộ tiếp tục hỗ trợ Bắc Giang phát triển công nghệ, kỹ thuật từ các nước có công nghệ cao, trình độ nông nghiệp tiên tiến…

Ngũ Hiệp