Chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu 2016 là 12,4%
Đời sống - Ngày đăng : 13:30, 03/09/2015
Trong buổi họp sáng nay, khác với 2 phiên họp trước, các thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia không trả lời báo chí trước giờ diễn ra cuộc họp cũng như giờ nghỉ giải lao. Vì vậy, các phóng viên phải ngồi ở phòng bên cạnh để chờ cho đến khi cuộc họp kết thúc với tâm trạng sốt ruột.
Sau hơn 4 giờ đồng hồ kể từ lúc cuộc họp bắt đầu lúc 8h30, cuộc họp kết thúc và Hội đồng tiền lương đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Theo Hội đồng tiền lương quốc gia, phiên hôm nay, cuộc thương lượng giữa VCCI và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ) tiếp tục phân tích, kể cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, thực trạng doanh nghiệp và những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp. Tất cả thống nhất chung mục tiêu tăng lương tối thiểu năm 2016 là để phấn đấu đạt mục tiêu lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, mặt khác cũng chú ý đến điều kiện doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.
Phóng viên ngồi chờ kết quả cuộc họp |
Sau khi phân tích, Hội đồng chọn ra 1 phương án và tiến hành bỏ phiếu. 15 thành viên Hội đồng đã tham gia bỏ phiếu để lựa chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Kết quả, 14/15 phiếu thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4%.
Cụ thể, Vùng 1: 3.500.000 đồng, tăng 400.000 đồng so với năm 2015; vùng 2: 3.100.000 đồng, tăng 350.000 đồng; vùng 3: 2.700.0000 đồng, tăng 300.000 đồng; vùng 4: 2.400.000 đồng, tăng 250.000 đồng.
Kết quả bỏ phiếu đạt mức đồng thuận là 92,8%. Ông Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, đây là lần đầu tiên trong 3 năm, Hội đồng có mức đồng thuận cao như thế.
Mức điều chỉnh này đã đạt bằng mức tăng của năm 2015. Đáng chú ý, năm 2016, ngoài điều chỉnh lương tối thiểu, doanh nghiệp phải đóng bảo hiểu theo Luật Bảo hiểm xã hội, có hiệu lực từ năm 2016. Vì vậy, doanh nghiệp phải bố trí, tiết kiệm để tăng lương và đóng bảo hiểm cho người lao động.
Hội đồng tiền lương Quốc vào sáng 3/9 (ảnh: NLĐ) |
Được biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao gấp 1,5 lương tối thiểu. Chẳng hạn, ở Bình Dương, TP HCM, Hà Nội, có doanh nghiệp trả người lao động là 5,5-6 triệu đồng/tháng. Vì vậy, việc tăng lương tối thiểu năm 2016 chủ yếu tác động đến doanh nghiệp ở việc doanh nghiệp phải điều chỉnh mức đóng bảo hiểm.
Việc chốt mức tăng 12,4% được coi là sự cố gắng lớn của VCCI và Tổng LĐLĐ để tìm được tiếng nói chung, bởi trước đó VCCI đề xuất tăng 10% trong khi đó Tổng LĐLĐ đề xuất tăng 16,8%.
Ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ cho hay, kết quả này chưa khiến ông thực sự hài lòng. Tuy nhiên, mức tăng trên bằng mức tăng tuyệt đối của năm 2015, người lao động có thể tạm chấp nhận và chia sẻ với doanh nghiệp.
Đánh giá về kết quả đề xuất tăng lương tối thiểu, ông Quang Phòng-Phó chủ tịch VCCI thẳng thắn cho biết, ông không hài lòng với kết quả này bởi doanh nghiệp sẽ khó khăn, đặc biệt là việc đóng Bảo hiểm xã hội.
“Mức tăng này là quá mức chi trả của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải phấn đấu cật lực hơn. Doanh nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực quản trị. Mặc dù không thỏa mãn nhưng chúng tôi chấp nhận kết quả này. Đây là cơ chế đồng thuận của Hội đồng, đã tham khảo và có ý kiến phân tích thấu tình đạt lý”, ông Phòng nói.