Việc làm cần thiết

Công nghệ - Ngày đăng : 06:29, 03/09/2015

(HNM) - Sau sự cố tại Fukushima (Nhật Bản) vào tháng 3-2011, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị tư vấn đưa ra phương án thiết kế; rà soát lại tất cả các thông số địa chất, địa hình… với mục tiêu phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất khi xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 và 2.


Lùi sâu vào đất liền

Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 (tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), so với mặt bằng cũ đã được duyệt năm 2010, mặt bằng mới được mở rộng về phía Tây nam và lùi sâu vào đất liền khoảng 400m. Tổng diện tích chiếm đất của dự án (trên đất liền) là hơn 443ha; trong đó diện tích nhà máy chính trong hàng rào gần 190ha, diện tích vùng cách ly 500m từ hàng rào nhà máy xấp xỉ 197ha, khu lán trại tạm 11ha, bãi phục vụ thi công hơn 45,6ha.

Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 tiến hành khảo sát đá khu vực xây dựng
Nhà máy Điện hạt nhân Ninh thuận 1.



Nhà máy có tổng diện tích sử dụng trên biển là trên 440ha; trong đó diện tích khu vực nhà máy hơn 87ha, diện tích khu vực cách ly biển 318ha, bãi phục vụ thi công gần 4,4ha, cửa nhận nước số 1 chiếm gần 11ha, cửa nhận nước số 2 diện tích 10,8ha, cửa xả số 1 là gần 5ha, cửa xả nước số 2 là hơn 4ha. Bên cạnh đó, còn có một số điều chỉnh khác như quy mô công suất và công nghệ được quy hoạch với quy mô 4 tổ máy với công suất mỗi tổ máy từ 1.000 đến 1.200 MW được chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn lắp đặt hai tổ máy; cao trình san nền dự kiến là +12m (hệ cao độ quốc gia), cao trình cuối cùng sẽ được chuẩn xác trong dự án đầu tư được phê duyệt.

Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 (tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), so với mặt bằng cũ đã được phê duyệt năm 2010, mặt bằng mới được mở rộng về phía Tây nam và lùi sâu vào phía đất liền khoảng 285-395m. Tổng diện tích chiếm đất của dự án (trên đất liền) là gần 381ha; trong đó diện tích nhà máy chính trong hàng rào gần 171ha, diện tích vùng cách ly 500m từ hàng rào nhà máy gần 166ha, khu lán trại tạm xấp xỉ 11ha, bãi phục vụ thi công hơn 33ha. Tổng diện tích sử dụng trên biển là hơn 377ha; trong đó diện tích khu vực nhà máy trên 57ha, diện tích khu vực cách ly trên biển hơn 285ha, bãi phục vụ thi công hơn 28ha, cửa xả nước số 1 là trên 3ha, cửa xả nước số 2 là gần 3,3ha.

Bên cạnh đó còn có một số điều chỉnh khác như quy mô công suất Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được quy hoạch với quy mô 4 tổ máy với công suất mỗi tổ máy từ 1.000-1.200 MW, được chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn lắp đặt hai tổ máy; cao trình san nền dự kiến là +15m (hệ cao độ quốc gia), cao trình cuối cùng sẽ được chuẩn xác trong dự án đầu tư được phê duyệt.

Có thể nội địa hóa tới 40%

Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch địa điểm, cuối tháng 7 vừa qua, Công ty Liên hợp ASE - NIAEP trực thuộc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký thỏa thuận khung cho việc thực hiện giai đoạn đầu xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Thỏa thuận này quy định về việc xây dựng 2 tổ máy của Nhà máy ĐHN Ninh Thuận, với công suất của mỗi tổ máy đạt 1.200 MW. Hai sự kiện trên có ý nghĩa quan trọng trong quy trình xây dựng ngành Công nghiệp ĐHN của Việt Nam.

Trước đó, trao đổi với Báo Hànộimới, ông Nikolai Drosdov - Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế của ROSATOM cho biết, đối với Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, ROSATOM đã hoàn thành Báo cáo khả thi, trong đó có báo cáo về việc lựa chọn mặt bằng bố trí nhà máy. Theo tất cả các tiêu chuẩn yêu cầu thì mặt bằng được đề xuất phù hợp với một nhà máy gồm 4 tổ máy, mỗi tổ có công suất khoảng 1.000 MW. Hiện tại, các chuyên gia Việt Nam đang phân tích các tài liệu của Báo cáo khả thi để chọn ra thiết kế cơ bản tối ưu, an toàn nhất và có hiệu quả kinh tế cao nhất. Các bên cũng thảo luận về thiết kế kỹ thuật trước mắt của nhà máy ĐHN. Nhiệm vụ cơ bản hiện nay là Chính phủ Việt Nam phê duyệt các kết quả của Báo cáo khả thi, chuẩn bị văn bản cần thiết để nhà tổng thầu Nga xây dựng dự án kỹ thuật và chuẩn bị mặt bằng xây dựng đã được phê duyệt.

Về kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN trong tương lai không xa, không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, các công ty cung ứng vật tư, nhân lực... trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận quan tâm mà còn có một số doanh nghiệp của Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Cũng theo ông Nikolai Drozdov, ĐHN là lĩnh vực mới, song các công ty lớn của Việt Nam có kinh nghiệm thực hiện những dự án nhiệt điện, thủy điện lớn đều có thể đủ điều kiện ban đầu để tham gia. Kinh nghiệm ở Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa có thể lên tới khoảng 30-40%. Các công ty được chọn làm thầu phụ sẽ phải trải qua quá trình tập huấn và đầu tư một nguồn tài chính nhất định. Quy trình đấu thầu sẽ được ROSATOM đưa lên mạng và thực hiện công khai, minh bạch nhằm bảo đảm yêu cầu an toàn chất lượng.

Linh Đan