"Ngôi sao sáng" trên bản đồ đối ngoại Việt Nam

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:27, 02/09/2015

(HNM) - Trong không khí cả nước chào mừng Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, công tác đối ngoại giai đoạn 2011-2015 của Thủ đô Hà Nội là một đóa hoa góp vào thành công toàn diện của Thủ đô những năm qua.

Giải chạy Báo Hànộimới Vì hòa bình được tổ chức hằng năm luôn nhận được sự tham gia tích cực của bạn bè quốc tế đang sinh sống, công tác tại Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm



Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đã đạt được những bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế. Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 thủ đô, thành phố lớn, trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia tích cực tại nhiều diễn đàn đa phương. Hà Nội cũng đi đầu trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế. Tính trong cả giai đoạn 5 năm sau khi gia nhập WTO (2008-2014), tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 15%/năm. Riêng năm 2014, Hà Nội đã thu hút 2.950 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 25,7 tỷ USD đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hàng năm, thành phố tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế đến làm việc, tăng cường quan hệ hữu nghị và tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác với Hà Nội. Song song với đó, thành phố cũng cử các đoàn đại biểu cấp cao đi thăm hữu nghị và thiết lập quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa với các đối tác nước ngoài nhằm mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực. Hà Nội còn là địa phương tham gia tích cực các hoạt động đối ngoại đa phương, góp phần nâng cao vị thế quốc tế cũng như tăng cường quan hệ song phương. Cụ thể, tại các diễn đàn đa phương, lãnh đạo thành phố đã tích cực, chủ động tham gia phát biểu nhằm khẳng định vai trò quan trọng và có trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, thành phố luôn coi trọng việc quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế về các giá trị văn hóa lịch sử, tinh thần của Thủ đô, đồng thời tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới, để bổ sung và làm giàu hơn nữa nền văn hóa dân tộc nói chung và Thủ đô nghìn năm văn hiến nói riêng. Nhiều công trình văn hóa của Hà Nội đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Đặc biệt, hoạt động đối ngoại nhân dân của Thủ đô những năm qua có nhiều đổi mới, hiệu quả. Ghi nhận điều này, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, trong hơn 1,5 triệu chữ ký phản đối sử dụng bom hạt nhân của Việt Nam thì Hà Nội đóng góp trên 1,2 triệu chữ ký. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn; Phó Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Tuấn Phong đánh giá cao kết quả hoạt động đối ngoại nhân dân của TP Hà Nội, thành tựu đó có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nâng cao vị thế của đất nước mà còn giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đáng lưu ý, hoạt động đối ngoại nhân dân của Hà Nội được đẩy mạnh từ cơ sở quận, huyện, thị xã và gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo tồn, giao lưu văn hóa.

Đánh giá về hoạt động đối ngoại của Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Hà Nội luôn coi công tác đối ngoại là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững; quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín của Việt Nam và Hà Nội trên trường quốc tế, giữ vững danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình". Hiện nay thành phố đã xây dựng Chương trình hành động triển khai công tác đối ngoại của thành phố giai đoạn 2016-2020 với 12 nội dung. Vì thế, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các cấp, ngành cần chủ động, đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế, cốt lõi là nắm chắc chủ trương, đường lối, phương châm đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo tin tưởng, với sự nỗ lực của các tập thể và mỗi cán bộ công chức, nhất là đội ngũ những người làm công tác đối ngoại, công tác đối ngoại của thành phố sẽ đạt được những kết quả to lớn hơn nữa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Thùy Dương