Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp trong mối quan hệ đặc biệt của lịch sử

Chính trị - Ngày đăng : 07:11, 02/09/2015

(HNM) - Năm 1911, khi người thanh niên yêu nước Văn Ba ra đi từ bến Nhà Rồng đến tận góc bể, chân trời xa lạ tìm đường cứu nước cho một dân tộc đang bị nô lệ thì tại làng An Xá - chốn quê nghèo Quảng Bình - cậu bé Võ Nguyên Giáp vừa cất tiếng khóc chào đời.

Trước nhiều thời điểm lịch sử của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn bạc để đưa ra những quyết định trọng đại. Ảnh tư liệu


Một trong những “quyết định sáng suốt nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - với tầm cao tư duy về chiến lược quân sự là chọn Võ Nguyên Giáp làm người phụ trách quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Chính Bác Hồ đã chọn con đường binh nghiệp cho tôi. Người đã tin tưởng giao cho tôi thành lập quân đội” (Võ Nguyên Giáp). Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy cốt cách cao đẹp của một con người yêu nước nồng nàn, một nhà báo, nhà giáo và sau này là một nhà chính trị có tầm cao tư duy và lại có trái tim nhân văn cao cả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đã lựa chọn đúng người, lại giao đúng việc và hơn nữa, lại rèn luyện công phu! Võ Nguyên Giáp trở thành một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất với Bác Hồ; trở thành một nhà tham mưu tài ba, một phần của thiên tài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; được Hồ Chí Minh tôn trọng nhất để bộc lộ nhiều nhất tài năng thiên bẩm về quân sự, về chính trị, về khoa học của mình. Và nếu như Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo vĩ đại của báo chí cách mạng vô sản thì Võ Nguyên Giáp là nhà báo chính luận vĩ đại.

Là thầy giáo dạy môn lịch sử, hơn ai hết, Võ Nguyên Giáp luôn thấu hiểu truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất tự cường, lòng tự tôn của một dân tộc đã từng phải chịu ách đô hộ. Bài học lịch sử thấm vào hồn cốt trở thành máu thịt. Chưa được đào tạo ở bất kỳ một trường quân sự nào - “Tôi là một vị tướng tự học” (Võ Nguyên Giáp), nhưng những tri thức mà ông học được từ thực tế các chiến dịch chống Pháp và Mỹ kết hợp với tầm cao tư duy sử học góp phần tạo nên một vị tướng huyền thoại. Võ Nguyên Giáp và người Thầy lớn - Hồ Chí Minh - sau khi tiếp thu những tư tưởng quân sự truyền thống Việt Nam: Lấy nhỏ đánh lớn, lấy đoản binh mà chế trường trận, đem đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo đã làm nên nghệ thuật quân sự riêng biệt của Việt Nam - Chiến tranh nhân dân vô địch! Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn truyền thống của dân tộc Việt Nam tạo nên giá trị cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh và của người học trò xuất sắc của ông - Võ Nguyên Giáp. Ông trở thành Đại tướng của nhân dân và cùng với Hồ Chí Minh là linh hồn của hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh là nhà chiến lược vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng trở thành nhà chiến lược, chiến thuật và hậu cần kiệt xuất; đã xây dựng và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành một quân đội cách mạng bách chiến bách thắng; hết lòng yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của dân tộc mình, cũng như bè bạn, láng giềng và cũng rất nhân văn độ lượng với kẻ thù.

Thế giới vinh danh Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa của thời đại và nhà ngoại giao kiệt xuất thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rèn rũa bản sắc và hành động văn hóa cao đẹp cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã kết hợp nhuần nhuyễn chính trị với ngoại giao. Điều đó thể hiện rất rõ nét trong những lần gặp lại những đối thủ cũ sau ngày chiến thắng và bao giờ ông cũng lại là người chiến thắng! Ông là vị tướng thể hiện rõ nét nhất tính nhân văn của một người làm tướng: Anh là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy, là Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Anh Văn trở thành cây đa rợp bóng mát tình yêu thương đồng đội (Thượng tướng Trần Văn Trà). Nếu Hồ Chí Minh là Người Việt Nam đẹp nhất thì Võ Nguyên Giáp chính là Anh Bộ đội Cụ Hồ đẹp nhất. Nói đến tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh cũng cần nhắc đến khoa học quân sự đã nâng lên mức nghệ thuật của Đại tướng - là tài thao lược trong việc chỉ huy từng chiến dịch, từng trận đánh để biến nghệ thuật quân sự thành những chiến thắng huy hoàng!

Năm 1945, khi Bác bị mệt nặng, tưởng như không qua khỏi, tại lán Nà Lừa (Tuyên Quang), Người dặn lại học trò của mình:... “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” - thể hiện quyết tâm của Đảng ta giành độc lập, tự do và sau đó ba mươi năm (1975) Võ Nguyên Giáp đã viết Mệnh lệnh chiến đấu - lời “hịch” hào hùng: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ phút xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng - thể hiện quyết tâm của Quân ủy Trung ương trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Một điều rất đáng khâm phục ở Võ Nguyên Giáp, đó là ông đã sớm nhận ra tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông viết: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” (1977) và ba bài viết đăng trong Tạp chí Cộng sản (1996) với chủ đề xoay quanh tư tưởng Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ tư tưởng của người Thầy mình! Ông khẳng định: Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn sống mãi (1991). Điều khẳng định của ông cách đây gần một phần tư thế kỷ đã được thực tiễn của đất nước ta và của thế giới minh chứng một cách vô cùng sinh động.

Cụm từ Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp là sự so sánh, xếp đặt của nhiều nhà khoa học lịch sử hàng đầu, nhiều chính khách nổi tiếng trong nước và thế giới. Thầy - Hồ Chí Minh - Thiên tài; Trò - Võ Nguyên Giáp - Lỗi lạc! Hai thầy trò thuộc hai thế hệ nhưng đều là những nhà chiến lược vĩ đại và gắn bó với nhau trong một mối quan hệ thật đặc biệt: “Qua các cuộc tiếp xúc, tôi nhận thấy tướng Giáp chịu ảnh hưởng rất lớn từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, do những mối liên hệ, gắn bó sâu sắc giữa ông với người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong con mắt của tôi, Tướng Giáp là người kế tục xuất sắc cuộc chiến đấu và sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Daniel Roussel). Không biết Đại tướng đã nghĩ gì khi đứng suy tư bên bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng mình? - Có lẽ, ông nhớ tới lời của Người khi chỉ có hai thầy trò trong hang Pác Bó năm xưa (1945): “Chú Giáp ạ, làm cách mạng phải dĩ công vi thượng” - mà suốt cuộc đời, ông đã thể hiện thật hoàn hảo!

Lúc thuận lợi cũng như lúc vô vàn khó khăn, và cũng như Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp đã vượt lên tất cả để trở thành tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân noi theo.

Ngày Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng và ngày Đại tướng ra đi đã tạo nên sự gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối và sức mạnh dân tộc đã được nhân lên gấp bội. Cũng như Bác Hồ, vị Đại tướng nhân dân được suy tôn đời đời và hiển thánh trong ngôi đền của lòng dân đất Việt - đó chính là một hạnh phúc mà mấy ai trên đời có được?

Thạc sĩ Võ Quốc Hiển