Cờ đỏ sao vàng

Chính trị - Ngày đăng : 06:44, 02/09/2015

(HNM) - Tôi sinh ngày 19 tháng 8. Mẹ kể, vào một buổi sáng đúng ngày sinh khi tôi tròn 3 tuổi, cha dậy rất sớm ăn mặc tươm tất nai nịt gọn gàng tay cầm một cây mã tấu đến bên giường tôi đang ngủ hôn lên trán: “Ngủ ngon con nhé. Cha đi đây!” “Ông đi đâu?” - Mẹ hỏi. “Tổng khởi nghĩa đánh chiếm phủ!”


Mẹ kể, chưa kịp hỏi tiếp thì cha đã đi. Một tuần sau cha mới về. Mặt mày rạng rỡ khoe cứ như mẹ là người đồng chí của cha: “Sắp có Tuyên ngôn Độc lập. Cụ Hồ đọc!”

Mẹ kể, ngày ấy mẹ bế tôi lên chợ huyện nghe người người bàn tán về ngày Độc lập. Có nhiều đoàn người nối nhau diễu hành không mang súng, toàn gươm dao mã tấu gậy gộc vừa đi vừa hô “Cách mạng Tháng Tám thành công muôn năm!” giương cao biểu ngữ và cờ đỏ sao vàng phấp phới bay.

Những điều mẹ kể khi tôi 10 tuổi. Thời kỳ ấy là thời kỳ toàn quốc kháng chiến. Tôi và mẹ ở lại vùng địch tạm chiếm. Cha lên chiến khu năm nào chỉ mình mẹ biết. Có lẽ vào tuổi lên 10 mẹ cảm nhận ra tôi đã có trí khôn nên mới kể.

Lá cờ đỏ sao vàng luôn là niềm tự hào với mỗi người dân Việt Nam. Ảnh: Thái An


“Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay”. Mẹ nói như một thành ngữ. Thành ngữ ấy ám ảnh tôi mà chưa tường ảnh hình ra sao. Học hết tiểu học lên bậc thành chung. Khi học hết đệ thất thì vừa lúc chiến thắng Điện Biên Phủ đem lại hòa bình cho miền Bắc. Vui ơi là vui khi cả thành phố xuống đường. “Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay” mẹ kể năm giờ mới thấy. Ngọn cờ to như cánh buồm đỏ rực sắc hoa mào gà, ở giữa có ngôi sao năm cánh màu vàng như sắc hoa hiên, kéo tít cao trên tháp cờ thành phố. Tung bay tung bay. Còn nhà nhà mặt phố lòng đường ngập tràn trong sắc cờ đỏ. Mà sao cờ được may nhanh thế. Cứ như được chuẩn bị sẵn. Học sinh chúng tôi xuống đường đón bộ đội về giải phóng trên tay mỗi đứa cả trai lẫn gái đều cầm một lá cờ phất tới tấp trên đầu.

Ngày 2-9-1955, Hà Nội trọng thể kỷ niệm 10 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Mới mồng 10 tháng 10 năm trước cả Hà Nội xuống đường đón quân về giải phóng. Hà Nội mở toang năm cửa ô trùng trùng quân đi như sóng. Lá “cờ đỏ sao vàng phấp phới bay” trở lại trên tháp cột cờ nơi vườn hoa Canh Nông. Quảng trường Ba Đình lịch sử 10 năm trước Bác Hồ đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”, mồng 2 tháng 9 năm 1955, Bác Hồ cũng đứng trên lễ đài dựng chính nơi đây hiệu triệu toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng xây dựng miền Bắc giàu mạnh, chi viện miền Nam cùng đồng bào cả nước đấu tranh thống nhất đất nước.

Người người từ các tỉnh đáp xe lửa hoặc đường thủy hoặc phương tiện gì không biết nữa, chỉ thấy những người là người đổ về Hà Nội “xem Lễ Quốc khánh” và “xem bắn pháo hoa” quanh Hồ Gươm. Các vườn hoa chật cứng người tá túc và các “tổ phục vụ” đun nước sôi, thổi cơm nắm, bánh mì cung ứng mỏi tay chào đón “khách của Thủ đô” sau chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ hôm nay mới có một ngày hội ngộ.

Tôi rời thành phố Nam Định lên Hà Nội sống với một gia đình họ hàng cuối năm 1954. Lễ Quốc khánh này mẹ từ Nam Định lên chơi mang theo gạo quê và mấy con gà cùng cá tát ao. Thật bất ngờ cha cũng tới. Cha to cao, không giống các anh bộ đội về giải phóng thành phố Nam Định. Cha ở Đoàn Quân nhạc Tổng cục Chính trị tham gia thổi khúc quân hành trong lễ duyệt binh. Tôi khoe với cha những sự kiện lịch sử tôi ghi chép được qua cuốn nhật ký “Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay”. Cha vỗ vai tôi: “Biết đâu con lại chẳng là một nhà báo sau này?” Cả nhà cùng cười!.

Cha như nhà tiên tri. Trưởng thành rồi tôi làm nghề báo thật.

Trong những năm làm báo có nhiều chuyện bất ngờ mà như được lập trình từ một quyền năng ở một nơi nào đó. “Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay” như một mệnh sứ gắn với những năm làm báo, viết về lịch sử cách mạng. Nhưng, với Hà Nội tôi có hai kỷ niệm. Một lần thăm Phó Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Đào Phiếu, bạn tôi khi anh đang chuyện với một nhà báo nữ - nhà báo Diệu Ân con gái nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản, anh đang bàn với chị sẽ trưng bày 30 bức ảnh của ông dịp Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Chị khoe cha chị đã hiến cho Bảo tàng Cách mạng 200 phim gốc cùng 700 bức ảnh. Những bức ảnh nếu không phải là một phóng viên can đảm lăn lộn như bống như bi trong một sự kiện nước sôi lửa bỏng như ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cũng như 60 ngày đêm năm 1946 chiến đấu bảo vệ Thủ đô, thì không thể có những cú bấm máy đúng cái khoảnh khắc gợi cảm xúc thời sự đến thế: Cảnh chiếm lĩnh trụ sở Bảo an binh ở 14 phố Hàng Bài, cảnh lập công sự chiến đấu trên đường phố của Trung đoàn Thủ đô theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến... Có lẽ những ngày này Nguyễn Bá Khoản đã phải di chuyển hơn cả chiến binh, mới chớp được những bức ảnh khắp thành phố: Bộ đội dùng chai xăng cờ rếp đánh xe tăng địch ở Cửa Đông, tổ chiến đấu ở chợ Đồng Xuân, chiến sĩ dựng chướng ngại vật ở Hàng Đường, lập ụ chiến đấu ở phố Mai Hắc Đế, nhân dân xếp giường tủ bàn ghế đồ dùng gỗ chắn đường ở Hàng Bài… “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hình ảnh cuối cùng mà Nguyễn Bá Khoản chụp được về Trung đoàn Thủ đô đầy cảm xúc ghi vào lúc rạng sáng ngày 18-2-1947. Sau khi rút khỏi Hà Nội, Trung đoàn Thủ đô từ triền đê bên kia Sông Hồng đỏ nặng phù sa họ bước đi in hình bóng lên nền trời hửng sáng bình minh nhìn về Thủ đô yêu dấu vẫy chào tạm biệt hẹn ngày trở về. Hướng đi của họ là “Thủ đô kháng chiến Tân Trào” ở Tuyên Quang.
Diệu Ân sắp xếp cho tôi gặp Nguyễn Bá Khoản. Ông ở trên một gác xép nhỏ trong căn hộ ở phố Hai Bà Trưng. Leo lên cái “tổ ấm” của ông bề bộn sách báo và các đồ nghề làm ảnh cũ. Cái đáng giá nhất - phải nói là vô giá - là chừng 5 vạn phim lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước được chụp từ một chiếc máy ảnh cũ kỹ “Pronter 2” của những năm đầu thế kỷ XIX. Mà cách bảo quản phim của ông là bằng lá chuối khô chứa trong hũ sành dưới lót vôi bột. Giống cái cách bảo quản kẹo lạc, kẹo vừng ở các chợ quê của mấy bà bán nước chè tươi thời tôi còn nhỏ.

Tôi đến với Nguyễn Bá Khoản là thời gian ông đang tổ chức lại phim, in mẫu và viết chú thích. Được 2.000 phim gốc. Tôi tham khảo ý kiến của nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng, anh chém tay vào gió nói rằng “Nếu không có bức ảnh Anh bộ đội Hà Nội ôm bom ba càng, thì không có bức tượng Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đặt ở vườn hoa đền Bà Kiệu!”. Tôi quyết định làm một phim chân dung Nguyễn Bá Khoản với tiêu đề “Người chép sử bằng ảnh” dài 7 phút phát trong chương trình thời sự Đài Truyền hình Việt Nam. Khi tổng duyệt anh Chu Chử cười ha ha: “Một nhân vật đáng nể đấy? Chọn cái tứ này thì được”. Tôi hiểu là anh Chu Chử rất “thuộc” vấn đề của Nguyễn Bá Khoản. Các đồng nghiệp ở các báo lần lượt giới thiệu ông cùng những bức ảnh quý hiếm, tập trung xoay quanh cái tứ “Người chép sử bằng ảnh”. Nhà văn Tô Hoài hiếm khi viết về nhiếp ảnh cũng hạ bút bình: “Nguyễn Bá Khoản là phóng viên ảnh chiến tranh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!”.

Năm 1987, ông được Ban Tổ chức Trung ương ra quyết định công nhận Lão thành Cách mạng, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hưởng lương chuyên viên cao cấp và được phân nhà. Người ta mở triển lãm ảnh lịch sử cho riêng ông. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản sách ảnh to và đẹp trang trọng mang tên “Những khoảnh khắc lịch sử qua ống kính Nguyễn Bá Khoản” với 114 bức ảnh được tuyển chọn.

Nguyễn Bá Khoản mất năm 1993 sau 60 năm cầm máy và hưởng thọ 76 tuổi. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt I năm 1996.

Rồi cách đây 9 năm Đại tá PGS.TS Nguyễn Thuận tìm đến tôi nhờ viết lại một tư liệu lịch sử về “Lá cờ” trên tháp Cột cờ Hà Nội đón quân về ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, là do chiến sĩ Trần Văn Giai một mình vật vã giữa trời lộng gió trên độ cao 45m từ đêm mồng 9 đến rạng sáng ngày 10-10 mới cố định được chiếc puli kéo cờ vì sự cố chệch cáp, để “ăn chắc” nên cờ phải treo sẵn, không theo kịch bản cũ là Anh hùng Nguyễn Quốc Trị - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô kéo cờ vào chiều ngày 10-10 đón quân về. Ấy vậy mà hơn 50 năm sử liệu công bố vẫn ghi chép như kịch bản cũ. Tiểu đội dựng cột cờ và treo cờ đêm ấy nay chỉ còn lại Đại tá Nguyễn Thuận và Trần Điển. Đại tá Nguyễn Thuận nói như khóc tại Bệnh viện Quân y 108 với tôi và họa sĩ Công Quốc Hà, rằng nếu tư liệu này không được công bố cải chính thì ông chết không nhắm được mắt vì bội nghĩa với đồng đội. Khi ấy ông đang điều trị ung thư. Thời gian sống cho ông không còn nhiều. Bài “Lá cờ đêm ấy ai treo?” tôi viết được công bố trên Báo Hànộimới. Bảo tàng lịch sử Quân đội và các cơ quan tư liệu quân đội liên quan đã mời ông một nhân chứng còn sót lại để hiệu đính tư liệu lịch sử. Nhiều bài báo, trang mạng viết hoan nghênh tư liệu mới này. Kênh truyền hình VTV3 mời ông chuyện lại với khán giả…

Tôi sinh ngày 19 tháng 8. Không cùng năm với Cách mạng Tháng Tám nhưng lại mang mệnh “Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay”. Dẫu gặp ngọn cờ chót vót cao nơi đỉnh tháp Lũng Cú (Hà Giang) cực Bắc Tổ quốc, hay nơi đất mũi Cà Mau cực Nam nơi có tượng đài người chiến sĩ cộng sản - nhà báo - nhà văn Phan Ngọc Hiển lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai, cùng dội lên trong trái tim tôi một sắc màu Tổ quốc.

KHIẾU QUANG BẢO