BRICS đang “giảm tốc”
Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 02/09/2015
Các thành viên trong khối BRICS đang gặp nhiều khó khăn. |
Trước đây, BRICS được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu khi khối này vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế năm 2008 và tăng trưởng ngoạn mục trong những năm tiếp theo. Nhưng hiện nay, BRICS đang phải đối mặt với những khó khăn không tránh khỏi từ nội tại từng nền kinh tế lẫn yếu tố bên ngoài. Brazil và Nga đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái sâu. Là những nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn thứ hai và thứ ba thế giới (sau Trung Quốc), đồng nội tệ của cả hai nước đều đang giảm giá mạnh. Đồng real liên tiếp lập đáy mới trong khi đồng ruble còn lao dốc mạnh hơn. Cả hai nền kinh tế này đều phải đối mặt với tình trạng lạm phát đi kèm với tăng trưởng ì ạch. Kinh tế Brazil từng được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ trong thập kỷ tới, nhưng thực tế gần như "giậm chân tại chỗ" trong 2 năm qua. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2015, quốc gia Nam Mỹ này còn rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Do chính trường vướng phải nhiều bê bối, Brazil đang ở bên bờ vực suy thoái kinh tế. Trong khi đó, các vấn đề của kinh tế Nga còn trầm trọng hơn. Khủng hoảng ở Ukraine khiến Mátxcơva phải nhận đòn trừng phạt từ Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và các biện pháp trừng phạt ngày càng được tăng cường. Các doanh nghiệp Nga không thể tiếp cận với thị trường Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ cũng không được làm ăn với các Tập đoàn năng lượng Nga. Lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa phương Tây của Tổng thống Vladimir Putin khiến giá cả ở Nga tăng vọt. Bên cạnh đó, giá dầu liên tục chạm đáy trong nhiều năm, trong khi đó, Nga là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu "cài số thấp" với những khó khăn trong việc củng cố thị trường chứng khoán, tín dụng và bất động sản. Tăng trưởng trong năm 2014 của quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ đạt 7,4%, mức thấp nhất trong gần 25 năm qua. Gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã có những động thái chưa từng có nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán nhưng không thành công như ý muốn. Các nhà đầu tư đang đặt câu hỏi: Liệu Bắc Kinh sẽ làm gì tiếp theo khi bong bóng chứng khoán bắt đầu rạn nứt? Một nền kinh tế khác của BRICS là Ấn Độ cũng gặp phải những vấn đề riêng. Dường như niềm tin về chính sách cải cách và tăng trưởng kinh tế cao của Thủ tướng Narendra Modi đang bị lung lay khi nền kinh tế của quốc gia Nam Á chứng kiến tỷ lệ lạm phát tăng, thâm hụt ngân sách và bất cập về cơ cấu. Hơn nữa, các chương trình cải cách của Chính phủ Ấn Độ hiện vấp phải những trở ngại chính trị khi các đảng phái đối lập nước này đang ngăn cản việc thông qua các chính sách cải cách của chính phủ tại Quốc hội. Đặc biệt, mâu thuẫn chính trị đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và làm giảm lòng tin của các nhà kinh tế và giới kinh doanh trong và ngoài nước.
Ngoài ra, cũng như Trung Quốc, Brazil, Nga và các nền kinh tế mới nổi khác, Ấn Độ cũng là một "nạn nhân" của quá trình chuyển dịch vốn đầu tư, lưu thông hàng hóa và nguồn tài chính toàn cầu. Những tín hiệu xấu từ Nam Phi cũng gây lo ngại. Đơn vị tiền tệ của Nam Phi đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ nhiều năm qua. Hai tập đoàn khai thác quặng lớn tại xứ này là Anglo American và Lonmin vừa thông báo sa thải khoảng 10.000 nhân viên tại Nam Phi và ở một số nơi khác.
Đối với các nước BRICS, khó khăn hiện nay cũng không phải là bất ngờ khi đã từng xuất hiện những dự báo trước đó. BRICS cũng không phải liên minh kinh tế mang tính khu vực hay toàn cầu. Sự ứng phó với khủng hoảng hay khó khăn chủ yếu do từng quốc gia đảm nhiệm. Thế nên sự liên kết, hỗ trợ hay phụ thuộc vào nhau chưa thể cao như các khối kinh tế khu vực. Chuyên gia kinh tế Christipher Dembik, Ngân hàng đầu tư Đan Mạch Saxo Bank, đã chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng lo ngại của BRICS hiện nay. Thứ nhất, trong chu kỳ thịnh vượng vừa qua, các nền kinh tế này đã không nắm bắt được thời cơ tiến hành các biện pháp cải tổ cần thiết để nâng cấp guồng máy công nghiệp. Thứ hai, họ đã không đa dạng hóa khu vực sản xuất. Cuối cùng là không tăng cường khả năng tiêu thụ nội địa, để phần nào tiếp sức cho khu vực xuất khẩu, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu.
Tuy nhiên, BRICS là một tổ chức lớn, hiện chiếm tới 43% tổng dân số thế giới, nắm giữ gần 20% GDP và 50% dự trữ ngoại tệ và vàng của thế giới, chiếm 15% tổng giá trị thương mại toàn cầu. Do vậy, vấn đề bất ổn trên báo hiệu những diễn biến, những thay đổi rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế thế giới hiện nay. Quan trọng hơn, các nhà phân tích nhận định rằng, các nước mới nổi đang trong cơn "khủng hoảng giảm tốc" kinh tế và những thách thức thực sự vẫn còn nằm ở phía trước.