Hát Quốc ca từ trái tim mình!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 02/09/2015

(HNM) - Trong tiếng nhạc hùng tráng, lời bài hát Quốc ca thiêng liêng vang lên. Những khuôn mặt tươi trẻ rạng ngời và trên ngực trái, trong trái tim, nơi mỗi học sinh đặt bàn tay phải lên như cháy bỏng lòng tự hào dân tộc...


Hát trong niềm kiêu hãnh

Trong chuỗi những hoạt động hướng về kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực. Bước chân vào khuôn viên trường, tôi như được đắm chìm trong không khí trang nghiêm xúc động khi tiếng hát Quốc ca khỏe khoắn, mạnh mẽ của hơn 1.000 học sinh nhà trường vang lên trong lễ chào cờ. Các em xếp hàng ngay ngắn, nghiêm trang theo từng lớp, trên ngực áo là hình ảnh ngôi sao vàng lấp lánh nổi bật trên màu áo đỏ rực rỡ. Bàn tay phải các em đặt lên lồng ngực, nơi có trái tim, mắt hướng về lá cờ Tổ quốc đang tung bay trong gió, cất cao tiếng hát "Tiến quân ca". Buổi lễ chào cờ kết thúc, các em trở lại lớp của mình và bắt đầu một tiết học đặc biệt - tiết học "Hát Quốc ca từ trái tim mình".

Cô và trò lớp 12D6 trong tiết học hát Quốc ca từ trái tim mình.


Tại lớp 12D6, mở đầu tiết học, trên màn hình của lớp hiện lên hình ảnh của video clip bài hát Quốc ca với 200 nghệ sĩ tham gia. Khi clip kết thúc, để tâm trí học sinh lắng đọng trong vài giây, cô Nguyễn Kim Anh ôn tồn hỏi cả lớp: Bài hát kết thúc rồi, các con có muốn hát tiếp không? Lắng lòng trong vài phút, trên màn hình lại xuất hiện hình ảnh học sinh Trường THPT Phan Huy Chú xếp hình chữ S trên sân trường trong nền nhạc của bài "Nơi đảo xa" do chính thầy giáo của nhà trường hát. Giai điệu của bài hát đưa các em về với không khí sục sôi của những ngày "biển động" khi cả nước hướng về vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu của Tổ quốc năm 2014 với tinh thần giữ vững biển đảo quê hương. Clip kết thúc, cô Nguyễn Kim Anh hỏi: Các con biết gì về bài Quốc ca? Im lặng vài giây rồi một, hai, ba… những cánh tay lần lượt giơ lên… Nào, các con cho cô biết về tác giả của bài hát, hoàn cảnh ra đời…? Các con trôi chảy trả lời.

Cô Nguyễn Kim Anh xúc động: Bài hát được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944 và đến năm 1945 được chọn làm Quốc ca. Hà Nội của chúng ta có một con phố mang tên của nhạc sĩ tài hoa này, phố Văn Cao nằm ở quận Ba Đình, các con có nhớ không? Vậy ý nghĩa của bài Quốc ca, lễ chào cờ để làm gì? Các con nên biết mỗi ca từ trong bài Quốc ca như một nén tâm nhang, tri ân những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Hát Quốc ca là chúng ta đang thể hiện lòng tự hào dân tộc, là xây dựng khối đoàn kết dân tộc. Cô giáo Nguyễn Kim Anh nói: Nhưng cô thấy các con hát vẫn nhỏ, chưa hát to như các anh chị khóa 14. Các con biết không, mỗi buổi chào cờ đầu tuần, khi các anh chị khóa 14 cất tiếng hát, cả trường như lắng trong cảm xúc thiêng liêng vì bài hát hào hùng quá, vì mỗi học sinh hát bằng sự rung động của cả trái tim mình…

Tự nhận mình hát Quốc ca còn chưa đạt, một học sinh lớp 12D6 thành thật: "Vì thế hệ của chúng con chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của bài hát, mới nghĩ được hát là để cho đúng nghi thức chào cờ…"; còn một học sinh nói: Vì hát to con thấy ngại… Nghe tâm tư của học trò, cô giáo Nguyễn Kim Anh từ tốn: Bài Quốc ca là bài hát của cả dân tộc, các con hãy hát bằng niềm kiêu hãnh, hãy hát bằng chính tấm lòng của mình. Các con đừng ngại, các con đã lớn rồi, sắp trở thành những công dân đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước…

Tiết học làm người

Tại lớp 10A1, trong tà áo dài màu đỏ với ngôi sao vàng tươi trên ngực, cô Nguyễn Thu Hà đang sôi nổi cùng học trò trong trò chơi trả lời câu hỏi quanh chủ đề bài hát "Tiến quân ca". Là thế hệ học sinh thuộc khóa 19 của nhà trường, các con đang chập chững vào cấp học THPT trong bao mới lạ của môi trường mới. Cô Nguyễn Thu Hà nói: Hôm nay không phải là tiết học, tiết sinh hoạt bình thường mà là tiết học làm người đầu tiên của các con ở mái trường này đấy… Chỉ bằng ấy thôi, tôi đã cảm nhận được tiết học có ý nghĩa biết nhường nào!

Cô Thu Hà chia học trò ngồi ở hai bàn học thành một nhóm và yêu cầu các em thể hiện ý tưởng, suy nghĩ của mình về bài Quốc ca trên một khổ giấy lớn. Các nhóm đều hăng hái tranh luận sôi nổi về cách thể hiện sao cho độc đáo nhất. Các em vẽ nhiều hình ảnh trên nền giấy trắng với trọng tâm là bài Quốc ca và xoay quanh là những suy nghĩ của mình về ca từ, về cách thể hiện… Em Nguyễn Hùng Minh, đại diện cho nhóm 5 thuyết trình: Khi hát Quốc ca, chúng em mang trong mình một tình yêu lớn, đó là tình yêu đất nước, con người, là niềm kiêu hãnh về tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh để giành độc lập cho đất nước. Ca từ trong bài hát thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, là sự tri ân của những người Việt Nam dành cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến vệ quốc… Chính vì vậy, chúng em phải thể hiện cảm xúc mãnh liệt, hát bằng niềm tự hào và phải hát bằng cả trái tim…

Buổi học hát không phải chỉ để cho học sinh hát đúng nhạc, đúng lời, hát hay mà là học để thể hiện cảm xúc, để tăng lòng tự hào, để khơi dậy những rung động mãnh liệt sâu thẳm trong mỗi tâm hồn của các cô cậu học trò đang trong giai đoạn tập làm người lớn. Hát Quốc ca đã trở thành nền nếp, được thực hiện với nghi thức trang trọng trong nhiều năm qua của hàng chục thế hệ học trò Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa. Năm học 2014-2015, hát Quốc ca một lần nữa lại được đẩy lên thành một hoạt động mang tính nhân văn khi nhà trường tổ chức Cuộc thi hát Quốc ca nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Cùng với đó, trong những năm qua, nhà trường còn tổ chức nhiều sự kiện nhân các ngày lễ, ngày truyền thống như: Ngày sinh nhật Bác, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày Giải phóng Thủ đô 10-10… để hướng các em trở về cội nguồn. Nhà trường còn chú trọng tổ chức các sự kiện, hướng các em đến tình cảm trong sáng, gắn kết gia đình và nhà trường như: Đêm tri ân trưởng thành tiễn học sinh lớp 12 ra trường; lễ hội Xuân yêu thương để kết nối truyền thống và hiện đại. Đó sẽ là kỷ niệm quý báu mà nhiều thế hệ học trò nhà trường sẽ mang theo vào đời…

Trong tháng cao điểm hướng về lễ kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, nhà trường liên tục tổ chức các tiết học giáo dục truyền thống để lồng ghép tinh thần yêu nước. Tuần sinh hoạt tập thể đầu năm của các khối với chương trình "Tổ quốc gọi tên mình", "Về nơi trí sáng - lòng vui", "Việt Nam, tự hào ta đi lên"... là những tiết học đặc biệt như vậy. Và ngày 28-8 vừa qua, nhà trường vừa tổ chức cuộc thi vẽ tranh về chủ đề "Hát Quốc ca từ trái tim mình" với thành công không thể đong đếm...

Rời Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, trong tôi vẫn đằm sâu câu nói của cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp: "Hát Quốc ca là thể hiện niềm tự hào và tình yêu thiết tha với Tổ quốc bắt đầu từ chính ngôi trường mình. Được hát Quốc ca là hạnh phúc, vì khi hát chúng ta được thể hiện lòng biết ơn…". Và ước nguyện của cô hiệu trưởng là: "Làm sao có đủ điều kiện để đưa tất cả học sinh của trường ta về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Thành cổ Quảng Trị… để giữa những ngôi mộ liệt sĩ, những người đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa sẽ cất lên bài hát Quốc ca…".

Minh Thúy