70 năm, vẹn nguyên ý chí và khát vọng

Chính trị - Ngày đăng : 06:12, 02/09/2015

(HNM) - Những ngày này, mọi đường phố của Thủ đô ngập tràn không khí chào mừng ngày Lễ trọng đại của đất nước - kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Hà Nội rợp bóng cờ hoa, mở rộng vòng tay đón chào đồng bào từ khắp mọi miền của Tổ quốc và bè bạn quốc tế chung vui trong ngày hội non sông.


"Trăm miền về đây, về đây hội tụ
Ngàn năm về đây, về đây hội ngộ…".

Hôm nay, chúng ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, có thể là những nhân chứng từng tham gia sự kiện lịch sử này trong 70 năm trước, cũng có thể là người chứng kiến và lưu giữ nguyên vẹn những kỷ niệm về ngày tết Độc lập đầu tiên của dân tộc, rồi những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho hai cuộc kháng chiến thần thánh của đất nước và cả lớp trẻ sinh ra trong hòa bình chưa từng biết đến chiến tranh. Mọi thế hệ, lớp người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều có chung tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc.

Quảng trường Ba Đình lịch sử trong những ngày thu tháng Tám. Ảnh: Viết Thành


Đã 70 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), Thủ đô và đất nước có bao giờ đẹp thế này chăng! Tự hào thay khi khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi, khát vọng bao đời đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã thành hiện thực.

Đây di tích Số 48 phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tại tầng 2 của ngôi nhà này, từ ngày 28 đến 30-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập bằng chiếc máy chữ Người vẫn sử dụng ở căn cứ địa Việt Bắc. Ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam từ bao đời một lần nữa được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập. Đó là: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy…". Ý thức về chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc là dòng chảy mạnh mẽ và liên tục, xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, kết tinh trong trí tuệ, tư tưởng Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh.

Từ gần một nghìn năm trước, lời thơ Thần vang trên dòng Như Nguyệt được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư", nghĩa là Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Và mùa xuân năm 1428, giữa đất trời kinh đô Đại Việt, Nguyễn Trãi khẳng định hùng hồn trong Bình Ngô đại cáo: "Duy ngã Đại Việt chi quốc/Thực vi văn hiến chi bang", nghĩa là Như nước Đại Việt ta/Thực là một nước văn hiến. Tới Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, một lần nữa chủ quyền của dân tộc và quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định mạnh mẽ và phát triển lên một tầm cao mới, gắn với yếu tố thời đại, đồng thời có sự liên hệ với các cường quốc trên thế giới để chứng minh cho một chân lý hiển nhiên: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"; "đó là những lẽ phải không ai chối cãi được". Đây là những vấn đề về giải phóng con người mà bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 đã đề cập. Như vậy, trong bản Tuyên ngôn Độc lập thời đại Hồ Chí Minh, ý thức về độc lập quốc gia trong mối quan hệ bình đẳng quốc tế đã được khẳng định, đồng thời cách mạng Việt Nam cũng là sự nối tiếp con đường tiến hóa mà nhân loại đã và sẽ đi - đây là tài sản tinh thần vô giá mà lớp người hôm nay phải trân trọng và gìn giữ. Cùng với đó, bản Tuyên ngôn Độc lập thời đại Hồ Chí Minh có vai trò, ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng là hợp pháp thành quả Cách mạng Tháng Tám - giành chính quyền trong cả nước, kết thúc hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và chấm dứt hàng nghìn năm thống trị của chế độ phong kiến, đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập, đưa người dân từ thân phận nô lệ, lầm than trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của mình.

Và hôm nay, mọi con dân nước Việt có thể ung dung, tự hào với địa vị của người làm chủ trên khắp dải đất hình chữ S. Với thực tế phát triển của đất nước và cách mạng Việt Nam trong suốt 70 năm qua, thời khắc này giúp chúng ta nhìn nhận chuẩn xác ý nghĩa, giá trị to lớn cùng những bài học mang tính thời sự sâu sắc mà bản Tuyên ngôn Độc lập thời đại Hồ Chí Minh đã đề cập trên cả bình diện trong nước và quốc tế. Quyền dân tộc tự quyết và quyền con người, độc lập, chủ quyền và tự do, dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc... vẫn đang là những vấn đề dân tộc Việt Nam và cả loài người tiến bộ đang hết sức quan tâm. Tuyên ngôn Độc lập thời đại Hồ Chí Minh thực sự là bản tuyên ngôn bất hủ, có sức sống trường tồn, soi đường cho dân tộc ta trên hành trình củng cố, giữ gìn độc lập, tự do, hạnh phúc.

Hôm nay, những lớp người đi trước có thể đúc rút để kể cho con cháu về những gì mình từng trải nghiệm cùng những thành quả mà các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương xây dựng và gìn giữ. Dịp kỷ niệm quan trọng này cũng giúp cho lớp trẻ hôm nay nhìn nhận và trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, đồng thời thêm ý chí, quyết tâm đóng góp sức lực, trí tuệ và tài năng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ không chỉ là chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc mà còn gắn liền với việc bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nhân dân; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ, thách thức, xử lý có hiệu quả mọi tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của đất nước.

Có thể thấy, chặng đường đã qua và tương lai phía trước chắc chắn còn nhiều khó khăn, thách thức. Song, ý chí và khát vọng của những người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia là không gì có thể lay chuyển. 70 năm đã qua, ý chí và khát vọng đó đã được khẳng định bằng lý luận và giá trị thực tiễn, đồng thời mang tầm vóc của thời đại. Đó chính là nền tảng để "Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp/Rắn như thép, vững như đồng/Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp/Cao như núi, dài như sông/Chí ta lớn như biển Đông trước mặt"…

Và "Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam", đó là xây dựng quốc gia giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Hoàng Thu Vân