Điều chỉnh tỷ giá không tác động nhiều đến lạm phát

Kinh tế - Ngày đăng : 11:24, 01/09/2015

(HNMO) - Trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá và 2 lần nới biên độ tỷ giá, mỗi lần 1%. Một số chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh này không tác động nhiều đến lạm phát.


Theo chuyên gia kinh tế, TS Trần Du lịch, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhích lên nhưng trong điều kiện CPI rất thấp hiện nay thì dù có tăng thêm, ví dụ tăng thêm 1% đi nữa, thì cũng nằm trong tầm kiểm soát.

TS Lê Xuân Nghĩa-chuyên gia kinh tế cho chia sẻ, những tác động từ điều chỉnh tỷ giá phần lớn là những tác động rất tích cực, việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy cơ quan quản lý này dẫn dắt thị trường trước để ứng phó với các biến động thị trường có thể xảy ra.


UBGSTCQG giữ nguyên dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% (ảnh: Internet)


“Chúng tôi có mô hình tính toán từ rất lâu và hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang sử dụng. Theo mô hình này nếu tăng 1% tỷ giá hối đoái có thể làm tăng lạm phát trong ngắn hạn lên 0,13%, tức là tăng không lớn, không đáng kể”, TS Nghĩa nói.

Tại báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) công bố ngày 31/8, cơ quan này cho rằng, tháng 8, lạm phát là 0,61%; và lạm phát cơ bản là 2,41%; lạm phát bình quân 8 tháng đầu năm là 0,83% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản là 2,42%.

Nhìn chung, cả lạm phát và lạm phát cơ bản hầu như giữ nguyên trong 6 tháng gần đây. Dựa trên kỳ vọng của thị trường thông qua những thay đổi của lợi suất trái phiếu chính phủ, UBGSTCQG đánh giá hai lần điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8 làm lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 0,2 điểm %, là mức tăng không đáng kể.

Do đó, UBGSTCQG giữ nguyên dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% và lạm phát (tổng thể) thấp hơn 3%.

T.Hương