Phát hành trái phiếu chính phủ tiếp tục gặp khó
Tài chính - Ngày đăng : 10:58, 01/09/2015
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được hơn 4.205 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 1.300 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 329 tỷ đồng, UBND Tp.Hà Nội huy động được 2.000 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm nằm trong khoảng 6,25-6,3%/năm, 5 năm trong khoảng 6,4-7,20%/năm, 15 năm trong khoảng 7,65-8%/năm. So với tháng 7, nhìn chung lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm tăng khoảng 0,3%/năm, kỳ hạn 5 năm, 15 năm giữ nguyên.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phát hành trái phiếu Kho bạc Nhà nước từ đầu năm đến nay chỉ đạt xấp xỉ 94.300 tỷ đồng, tương đương 37,7% kế hoạch cả năm. Từ đầu tháng đến ngày 26/8, Kho bạc Nhà nước (KBNN) vẫn chủ động duy trì lãi suất chào thầu ở mức cao, nhưng kết quả trúng thầu trái phiếu KBNN chỉ đạt giá trị 4.025 tỷ đồng tương đương tỷ lệ 38%.
Việc huy động trái phiếu chính phủ vẫn gặp khó khăn (nguồn: Internet) |
Đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD/VND, tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) đã giảm mạnh. Tỷ lệ trúng thầu TPCP kỳ hạn 5 năm giảm từ mức 50%-100% (23/6 đến 12/8) xuống mức dưới 32% (từ 13/8).
Như vậy, trong 250.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành trái phiếu được ấn định cho năm 2015, Bộ Tài chính mới chỉ phát hành thành công khá thấp so với kế hoạch, cho thấy sức cầu đối với TPCP là rất thấp.
Nguyên nhân là Nghị quyết 78 đã có hiệu lực từ đầu năm 2015 quy định Bộ Tài chính chỉ có thể phát hành trái phiếu có thời hạn bằng hoặc dài hơn 5 năm. Điều này đã làm việc phát hành trái phiếu của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn.
Lý do khác khiến nhu cầu yếu đối với trái phiếu dài hạn yếu có thể là những dự luật vừa mới ban hành gần đây như Thông tư 36 giới hạn các ngân hàng thương mại sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn của mình để đầu tư trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, lợi suất TPCP có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2015 đã gây khó khăn cho huy động TPCP.
Dòng tiền đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư còn hạn chế, các ngân hàng thương mại quan tâm nhiều đến TPCP kỳ hạn dưới 5 năm nhằm bảo đảm tốt hơn danh mức đầu tư cũng là yếu tố tác động đến việc huy động TPCP.
Trên thị trường thứ cấp, trong tháng 8, tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 430 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 34,3% so với tháng 7. Tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 208 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 20,8 nghìn tỷ đồng, giảm 29,3% so với tháng 7. Trong đó, giá trị giao dịch TPCP bảo lãnh outright đạt hơn 5,6 nghìn tỷ đồng, repos đạt hơn 4,6 nghìn tỷ đồng.
Giá trị giao dịch mua outright của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt hơn 4,5 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bán outright đạt hơn 8,9 nghìn tỷ đồng. Không có giao dịch repos.