Xử lý học sinh không đội mũ bảo hiểm: Đầu voi, đuôi chuột?

Giáo dục - Ngày đăng : 07:10, 31/08/2015

(HNM) - Đầu tháng 4-2015, Sở GD-ĐT Hà Nội ra thông báo yêu cầu tất cả học sinh phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông trên mô tô, xe máy, phương tiện hai bánh chạy bằng điện. Sở sẽ phối hợp Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội theo dõi, xử lý các trường hợp vi phạm và duy trì hoạt động

Nhiều học sinh vẫn đầu trần phóng xe trên đường (ảnh do CSGT Hà Nội cung cấp).



Vài năm trở lại đây, xe máy điện, xe đạp điện đang được "phổ cập" trong giới học sinh bởi sự tiện dụng của nó. Song phần lớn trong số đó không đội MBH khi tham gia giao thông. Trước thực trạng đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ra thông báo trên nhằm siết chặt quản lý việc học sinh điều khiển xe không đội MBH, phụ huynh học sinh chở con em đến lớp không đội MBH. Tuy nhiên, thực tế sau vài tháng triển khai, đi trên các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp những em học sinh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện với tốc độ cao mà không đội MBH. Đặc biệt dịp nghỉ hè, thiếu sự quản lý từ nhà trường, tình trạng này được dịp "nở rộ".

Theo đánh giá của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (CATP Hà Nội), học sinh, sinh viên không đội MBH khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện, máy điện; dàn hàng ngang khi tham gia giao thông… là thực trạng diễn ra phổ biến tại các cổng trường học trên địa bàn Hà Nội. Theo thống kê, từ ngày 16-11-2014 đến nay, CSGT Hà Nội đã xử lý 208 trường hợp, nhắc nhở 349 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm không đội MBH.

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa CSGT và Sở GD-ĐT Hà Nội được duy trì thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, ngày 14-9-2014, Sở GT-VT, Sở GD-ĐT, Thành đoàn Hà Nội ký cam kết phối hợp về "Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) trong đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên Thủ đô giai đoạn 2013-2018". Sở GD-ĐT cũng phối hợp với lực lượng CSGT và các trường tổ chức tuyên truyền hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ và thường xuyên nhắc nhở, đưa thông tin liên quan đến trật tự, ATGT vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn, đội. CSGT Hà Nội cũng phối hợp với các trường tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết có trách nhiệm quản lý, không giao xe mô tô cho con em mình và học sinh ký cam kết không vi phạm luật giao thông, điều khiển xe máy, xe đạp điện phải đội MBH. Đồng thời, CSGT cũng xây dựng Kế hoạch 27/PC67 về việc "Tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em khi tham gia giao thông".

Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, CATP Hà Nội) cho biết: Các trường hợp vi phạm đều bị lên danh sách gửi thông báo về Sở GD-ĐT và các trường có học sinh vi phạm để có biện pháp quản lý, giáo dục như hạ hạnh kiểm, hạ thi đua… Được biết, không chỉ xử lý bằng việc "bắt tận tay", các trường hợp vi phạm trước cổng trường, trên các tuyến phố hoặc do camera ghi lại cũng được CSGT trích suất, gửi hình ảnh để sau đó ban giám hiệu các trường có học sinh vi phạm xử lý. Có thể nói, chính sự vào cuộc của các trường đã có tác động tích cực đến ý thức tham gia giao thông của học sinh, sinh viên, góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, Thiếu tá Vũ Văn Hoài cũng cho biết: Việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một số học sinh, sinh viên chưa tự giác, vẫn còn hiện tượng điều khiển phương tiện tham gia giao thông không đội MBH hoặc đội MBH chỉ mang tính đối phó với lực lượng chức năng. Đặc biệt, việc xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, bởi theo quy định học sinh vi phạm dưới 14 tuổi không bị xử phạt mà chỉ nhắc nhở. Hay số học sinh vi phạm khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng, nhà trường chưa có biện pháp giáo dục mạnh, đủ tính răn đe dẫn tới có trường hợp vẫn tái phạm.

Theo khẳng định của Sở GD-ĐT Hà Nội, các đoàn kiểm tra lưu động sẽ đến các trường học, nếu phát hiện học sinh vi phạm, hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở. Có thể nói, sự vào cuộc của Sở GD-ĐT, lực lượng CSGT trong việc tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT là tín hiệu tích cực, song để có hiệu quả lâu dài cũng cần phải duy trì thường xuyên sự phối hợp này, nhất là khi năm học mới đang cận kề.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 6, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013: Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
i) Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội "MBH cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "MBH cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
k) Chở người ngồi trên xe không đội "MBH cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "MBH cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.


Dạ Khánh