Thực phẩm "gắn mác", liệu có an toàn?

Xã hội - Ngày đăng : 07:01, 31/08/2015

(HNM) - Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng, có tính quyết định rất lớn đến sức khỏe và tuổi thọ của người dân. Bữa ăn được coi là bảo đảm khi có đủ thực phẩm chứa các thành phần dinh dưỡng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào người tiêu dùng có thể lựa chọn được nguồn thực phẩm an toàn?


Đã có rất nhiều câu trả lời được đưa ra, rằng người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm tại những địa chỉ có uy tín, rõ nguồn gốc, đặc biệt là tại các siêu thị lớn; lựa chọn theo kinh nghiệm của bản thân hoặc theo tư vấn của chuyên gia…

Để không mất thời gian, nhiều người khá giả đã lựa chọn cửa hàng thực phẩm an toàn, siêu thị để có thực phẩm chất lượng cao cho bữa ăn gia đình. Tại gian hàng rau quả, thực phẩm của hệ thống siêu thị, rau đạt tiêu chuẩn VietGAP có mức giá khá cao: 11 nghìn đồng/ một mớ rau muống; cải bó xôi - 22 nghìn đồng; 9 nghìn đồng/ một mớ rau mồng tơi (đã tính thuế)... Trong khi đó, tại các chợ dân sinh, người dân chỉ cần bỏ ra 5 nghìn đồng cho 2 mớ rau muống; 2 nghìn đồng cho một mớ rau ngót, hai mớ mồng tơi có giá 3 nghìn đồng… Như vậy, để có được bữa cơm được chuẩn bị với thực phẩm "gắn mác siêu thị" cho cảm giác an toàn, người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền đắt gấp đôi, thậm chí gấp bốn lần so với giá ngoài chợ. Tuy vậy, vấn đề nằm ở chỗ là dù đã chấp nhận bỏ ra nhiều tiền hơn nhưng nhiều người vẫn e ngại, cho rằng loại thực phẩm có "gắc mác" chưa chắc đã có chất lượng như mong muốn.

Trả lời thắc mắc của người dân tại buổi giao lưu trực tuyến về an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra vào trung tuần tháng 8, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho rằng, trong thực tế, các hành vi hay nguy cơ về ATTP đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, hiện chưa thể có dụng cụ kiểm nghiệm nhanh đạt chuẩn nào để giúp người tiêu dùng có thể kiểm tra thịt lợn có chất tăng trọng, rau có dư lượng thuốc hay hoa quả có chất bảo quản hay không... Mặc dù Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo "xây dựng cơ chế đặt các test cho kết quả nhanh ở các chợ đầu mối lớn, cái nào đạt kết quả thì cho kinh doanh, không thì thôi" nhưng theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, các test này hiện mới tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao mà thôi. Vậy nên, rất khó để có thể kiểm định chất lượng thực phẩm ngay cả khi chúng được bày bán trong các cửa hàng thực phẩm an toàn hay trong siêu thị.

Anh Nguyễn Hưng, chủ cửa hàng thực phẩm an toàn tại Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông) cho biết: "Nếu muốn có rau hay thực phẩm thật sự an toàn thì chủ cửa hàng phải đến tận nơi kiểm tra, lấy hàng thì mới bảo đảm. Còn nếu đặt hàng qua điện thoại để họ cung ứng tận nơi thì không thể chắc mình sẽ nhận được thực phẩm an toàn, không thể biết là phía cung cấp có trộn hàng kém chất lượng để tăng lợi nhuận hay không. Người tiêu dùng chỉ biết tin vào người bán hàng chứ không có cách gì tự xác minh thực phẩm, rau có bảo đảm an toàn hay không".

Trong điều kiện hiện nay, trước sự băn khoăn của người dân về vấn đề bảo đảm ATTP, cơ quan quản lý cần có giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, làm sao để phía cung cấp thực phẩm phải rạch ròi hàng cao cấp - hàng bình dân, hàng giá cao - hàng giá thấp chứ không thể ù xọe nhằm trục lợi.

Sa Chi