Tủi thân cho môn bi sắt!
Thể thao - Ngày đăng : 07:00, 31/08/2015
Một trận đấu lứa tuổi 16 trở xuống tại Giải Vô địch bi sắt trẻ toàn quốc năm 2015. Ảnh: Minh An |
Nhiều trưởng bộ môn, HLV bi sắt các tỉnh, thành có mặt tại Giải Vô địch bi sắt trẻ toàn quốc 2015 diễn ra ở Sóc Trăng đã bất ngờ đón nhận thông tin trên. Theo cách hiểu của họ thì môn bi sắt dù chưa chính thức có mặt tại đấu trường Olympic, ASIAD nhưng đã có lịch sử phát triển rất lâu ở Việt Nam. Còn ở đấu trường SEA Games, nơi thể thao Việt Nam vẫn dành sự quan tâm đáng kể thì bi sắt thường xuyên có tên trong chương trình thi đấu. Trong khi đó, một số môn thuộc 30 môn thi đấu mà đề án tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 thậm chí còn không thường xuyên có mặt ở SEA Games. Các kỳ Đại hội TDTT trước đây, bi sắt thường xuyên có mặt. Đấy cũng là điều bình thường khi môn này từng mang lại không ít HCV SEA Games (ở SEA Games 28 gần nhất, bi sắt góp cho đoàn Việt Nam 1 HCV), HCV Đại hội thể thao trong nhà Châu Á, Đại hội thể thao bãi biển Châu Á (gần nhất là đoạt 2 HCV ở Đại hội thể thao bãi biển Châu Á 2014 ở Thái Lan) cho thể thao Việt Nam. Thế nên, kể cả khi thể thao Việt Nam phân nhóm để đầu tư trọng điểm thì bi sắt vẫn có tên. Ít nhiều, đó cũng là sự công nhận với môn thể thao này, coi đó là một phần của thể thao thành tích cao Việt Nam. Quan trọng hơn là bi sắt đã có phong trào phát triển ở nhiều tỉnh, thành, có "đời sống" riêng, ổn định.
Vậy nên, trước thông tin trên, những người yêu môn bi sắt đương nhiên thấy tủi thân - dù đây mới chỉ là trên đề án. Như lo ngại của nhiều HLV thì nếu không có tên trong chương trình thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc 2018 thì thầy trò có nguy cơ "ra đường" bởi ngành thể thao tỉnh nhà không thể lãng phí tiền đầu tư cho môn thể thao không thể đóng góp huy chương cho tỉnh nhà tại Đại hội TDTT toàn quốc - vốn có ý nghĩa quan trọng với thể thao các địa phương.
Ngay trong đề án tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, khi đưa ra căn cứ về cơ sở vật chất để khẳng định Hà Nội là đơn vị duy nhất hiện nay đủ điều kiện tổ chức đại hội, những người chắp bút cũng đề cập đến hệ thống cơ sở vật chất thể thao của Hà Nội. Trong số này, Cụm sân thi đấu bi sắt thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội cũng được nhắc đến. Ở Châu Á, đây là một trong những cụm sân thi đấu bi sắt đẹp và tốt nhất. Không được tổ chức môn thi này cũng sẽ là thiệt thòi với đơn vị đăng cai Hà Nội.
Nếu như đấu trường Olympic và ASIAD vẫn chưa có tên bi sắt thì sân chơi SEA Games dường như chắc chắn có môn này. Theo thống kê, hiện tại ít nhất 10/11 quốc gia Đông Nam Á có VĐV môn bi sắt. Với môn thể thao thường đóng góp HCV tại các kỳ SEA Games gần đây thì việc đưa bi sắt vào chương trình thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc cũng không thừa. Không kể, tại Đại hội thể thao bãi biển Châu Á năm 2016 mà Việt Nam đăng cai, bi sắt cũng có tên và trong diện quy hoạch HCV. Tất cả cho thấy, bi sắt vẫn có vị trí đáng kể trên bản đồ thể thao thành tích cao Việt Nam. Việc chú trọng đầu tư các môn Olympic và ASIAD là đúng, nhưng cũng cần quan tâm đến cả những môn thể thao có sự phát triển rộng, có thể đóng góp cho thể thao Việt Nam ở nhiều thời điểm khác nhau như bi sắt.
Sẽ là lý tưởng nếu có một cuộc bàn thảo về chương trình thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc giữa những người có trách nhiệm với thể thao các tỉnh, thành, ngành để nắm rõ hơn thực trạng cũng như vị thế của từng môn. Còn nếu không, cũng cần có sự cân nhắc thêm để một môn thể thao từng đóng góp nhiều cho thể thao Việt Nam như bi sắt có thể góp mặt ở Đại hội TDTT toàn quốc tới.