Từ các khu tập thể đến khu đô thị mới

Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 31/08/2015

(HNM) - Kiến trúc nhà ở qua từng giai đoạn phản ánh điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đến đâu. Nếu các khu tập thể cũ xây dựng thời bao cấp có yêu cầu tiết kiệm, dễ phân phối thì những khu đô thị mới giai đoạn đổi mới có yêu cầu về chất lượng sống và dịch vụ đồng bộ.


Sau ngày Thủ đô giải phóng (10-10-1954), nhiều khu nhà ở tập thể theo kiểu chung cư bắt đầu được xây dựng. Điển hình là khu nhà tại Hàm Tử Quan gồm những nhà 2 tầng, có sân chung, nhà trẻ, trạm bơm. Mỗi nhà ở tập thể có chung một khu phụ một tầng, tách biệt bởi khoảng sân. Tuy là loại hình nhà ở tiện nghi đơn giản, có niên hạn sử dụng tạm thời của những năm đầu giải phóng, nhưng vẫn được thiết kế đồng bộ sân chơi, nhà trẻ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Đến năm 1960, Hà Nội khởi công khu Kim Liên. Lần đầu nhà ở được bố trí theo hình thức tiểu khu gồm nhóm nhà ở, hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, sân vận động, cửa hàng bách hóa và cả hệ thống xử lý nước thải. Nhà ở cao 5 tầng, thiết kế chạy dài và song song nhau.

Linh Đàm (quận Hoàng Mai) là khu đô thị mới đầu tiên của Hà Nội. Ảnh: Gia Hiếu


Hình thức nhóm nhà ở tiếp tục được áp dụng cho các khu nhà ở cao tầng Thọ Lão, Quỳnh Lôi, Nguyễn Công Trứ. Khu Thọ Lão xây bằng gạch cao 5 tầng. Khu Quỳnh Lôi cao 4 tầng, thí điểm loại sàn chịu lực ở giữa đặt trên tường ngang kiểu Triều Tiên. Khu Nguyễn Công Trứ, quy mô 6ha, vốn là nghĩa trang ngoại kiều mới được giải tỏa. Trong khu có dãy nhà làm nơi ở tập thể cho cán bộ độc thân. Căn hộ gia đình có diện tích 20m2, 24,8m2 và 25,2m2 (quy mô bình quân 4m2/người). Toàn khu có nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng bách hóa mặt chính quay ra đường Nguyễn Công Trứ; mặt quay vào trong bố trí làm nhà ăn, cửa hàng giải khát. Giữa các khối nhà trồng cây xanh, bố trí sân chơi cùng với hạ tầng hoàn chỉnh. Khu Văn Chương cũng xây dựng thời điểm này, gồm những nhóm nhà 2 tầng mái ngói, kết hợp nhà xây 5 tầng bố trí theo tuyến đường bao, bên dưới có cửa hàng. Trong khu cũng có đủ trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.

Từ giai đoạn 1965-1975, mẫu nhà lắp ghép tấm lớn bắt đầu phát triển. Khởi đầu là kiểu nhà đơn giản 2 tầng, lắp ghép tấm lớn, độn vật liệu xỉ, thí điểm năm 1971-1972, xây dựng hoàn chỉnh thành khu Trương Định, Yên Lãng. Các căn hộ có 2 phòng, tầng 1 và 2, nối với nhau bằng thang dốc, gắn với bếp và vệ sinh một tầng ở sân sau. Vì là thí điểm giải pháp lắp ghép tấm lớn nên khu nhà ở này hạn chế về tiện nghi, tốn quỹ đất và nghèo nàn hình thức. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ đó, Hà Nội đã phát triển những mẫu nhà lắp ghép tấm lớn 5 tầng nhiều ưu điểm hơn, hình thành nên hàng loạt khu Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ... Giai đoạn 1975-1986, dù nhiều khó khăn, nhưng Hà Nội vẫn tập trung cho phát triển nhà ở. Qua từng giai đoạn, kiến trúc nhà ở phản ánh rất sát điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Khởi công năm 1997 theo chủ trương thí điểm xây dựng khu nhà ở hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội, Linh Đàm (Hoàng Mai) vốn là đầm lầy, ruộng trũng, đã lột xác thành KĐTM với công trình kiến trúc khang trang xen lẫn cảnh quan thiên nhiên. Những chung cư mới đầu tiên được xây cao tầng, có thang máy, 2-3 phòng ngủ, thiết kế khép kín đồng bộ với dịch vụ vận hành đã mang lại cái nhìn hoàn toàn mới về nhà ở cao tầng. Sự thành công của dự án Linh Đàm đã tạo tiền đề cho hàng loạt KĐTM được nhân rộng trên địa bàn Hà Nội và cả nước. Hiện nay, Hà Nội đã có hàng chục KĐTM được đưa vào vận hành, quy mô lớn như Trung Hòa - Nhân Chính, Văn Quán, Việt Hưng... không chỉ đơn thuần là tạo lập chỗ ở, mà còn mang lại môi trường sống văn minh, diện mạo đô thị hiện đại cho Thủ đô.

Đến nay, các KĐTM, khu nhà ở còn phát triển đa dạng, đáp ứng nhiều nhu cầu, từ những tổ hợp đa chức năng dịch vụ hiện đại như Royal City, Times City đến KĐTM nhà ở xã hội như Đặng Xá (Gia Lâm); từ khu đô thị sinh thái cao cấp, nhà ở gắn với cây xanh, mặt nước như Vinhomes Riverside (Long Biên) đến khu đô thị dành bố trí tái định cư Nam Trung Yên...

Tuy nhiên, Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đó là những khu tập thể cũ đã xuống cấp, không còn bảo đảm điều kiện sống, không còn phù hợp với đô thị hiện đại, nhưng đang thiếu nguồn lực, cơ chế, giải pháp cải tạo, xây dựng lại hiệu quả. Những Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Quỳnh Lôi, Trương Định, Giảng Võ, Thành Công... đang chật chội, quá tải bởi cơi nới, lấn chiếm gia tăng quy mô dân số gấp hàng chục lần so với thiết kế ban đầu nhưng hầu hết những dự án cải tạo, xây dựng lại mới dừng ở điều tra xã hội học, nghiên cứu quy hoạch hoặc kiểm định chất lượng.

Trong khi đó, nhiều KĐTM đối mặt với tình trạng thiếu hạ tầng hoặc không được kết nối hạ tầng, do chủ đầu tư chỉ chú trọng làm nhà để bán, ảnh hưởng đến điều kiện sinh sống của cư dân. Do đầu tư theo phong trào, không có quy hoạch, kế hoạch, nhiều KĐTM bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn cho xã hội. Nếu thời bao cấp, nhà ở được phân phối thì ngày nay nhà ở là hàng hóa mà giá của nó nằm ngoài sự tiếp cận của người thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Chỉ số giá nhà ở trên thu nhập ở Việt Nam từ 24,5 đến 26,6 - rất cao so với nhiều khu vực (Đông Á 4,14, Châu Phi 2,21, Châu Âu, Bắc Mỹ 6,25...).

Mặc dù vậy, phát triển các KĐTM đồng bộ hạ tầng vẫn là yêu cầu quan trọng trong sự phát triển chung của Thủ đô. Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các KĐTM vẫn là yếu tố chủ đạo, gắn kết và tạo động lực phát triển cho từng khu vực. Tương lai không xa, Hà Nội sẽ có những đô thị cực lớn, vừa là những trung tâm mới về hành chính, tài chính, dịch vụ ngân hàng, giáo dục..., vừa là những khu ở tiện nghi, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Khánh Khoa