Những rung cảm mới
Văn hóa - Ngày đăng : 06:48, 30/08/2015
Chiến tranh nhìn từ trái tim người phụ nữ
"Người trở về" lấy ý tưởng từ truyện ngắn "Người về bến Sông Châu" của nhà văn áo lính Sương Nguyệt Minh. Mây - nữ y tá chiến trường mảnh mai như tên gọi - trở về quê đúng dịp một năm... ngày giỗ của cô và đúng ngày cưới của người yêu... Đề tài chiến tranh được khai thác bằng một câu chuyện thời hậu chiến. Không hẳn là đề tài mới, nhưng số phận con người, đặc biệt người phụ nữ trong và sau cuộc chiến đã tạo nên nhiều rung cảm ở những chiều kích mới.
Cảnh trong phim “Người trở về”, một phim chiến tranh của ê kíp làm phim trẻ. Ảnh: Tiền Phong |
Câu gọi "Đò ơi! Cho tôi sang sông với" ở bến Sông Châu là câu gọi cho cha con Mây gặp nhau trong nỗi bàng hoàng hội ngộ nhưng cũng là câu gọi từng vọng suốt chiều dài lịch sử của một dân tộc liên miên chiến tranh... Đạo diễn "lấy" được nước mắt của khán giả ngay từ những hình ảnh, khoảnh khắc đầu tiên đầy sức gợi của làng quê Việt, và tiếp tục đẩy cao những dằn vặt dữ dội, giằng xé nội tâm của con người khi đối diện với cuộc sống thời hậu chiến.
Phim khắc họa nhiều số phận phụ nữ khác nhau nhưng đều gắn liền với những phẩm chất đã đi
vào lịch sử dân tộc như chịu đựng, hy sinh. Mây - cô gái trẻ với đầy thương tích chiến trường trở về đã liên tiếp chịu đựng thêm những tổn thương tình cảm, đến mức phải nghẹn ngào: "Có lẽ con không về thì tốt hơn cho con và cho tất cả mọi người". Quyết định dọn ra bến Sông Châu ở một mình, Mây gặp lại chàng trinh sát miền Nam hóm hỉnh, mạnh mẽ đã rong ruổi một năm đi tìm cô. Nhưng đến khi tưởng đã cập bến hạnh phúc thì vết thương ở bụng lại đẩy cô tới một thử thách mới: Có thể vĩnh viễn không được làm mẹ...
Tưởng cứ dầm mình với dòng Châu trước dồn dập ngang trái, song Mây đã đứng dậy, đối diện với đau đớn để sống và lan tỏa nghị lực sống cho những con người trong cộng đồng vốn mang nhiều vết thương chiến tranh... Một sự mạnh mẽ, chủ động trong vẻ đẹp nhân hậu, vị tha truyền thống!
Lã Thanh Huyền được chọn vào vai diễn này vì bên cạnh vẻ đẹp dịu dàng, nữ diễn viên còn có đôi mắt ánh lên nghị lực và sự rắn rỏi. Cũng là khai thác thân phận con người nhưng "Người trở về" để lại dư vị lãng mạn và cảm hứng lạc quan của tuổi trẻ. Quang do Trương Minh Quốc Thái là một nét sinh động, thú vị của phim, vượt lên khuôn mẫu về người lính thường thấy trong điện ảnh. Dù trong phim không ngừng xen kẽ trong hồi tưởng của Mây về những khoảnh khắc chiến trường ác liệt, nhưng xem "Người trở về" vẫn dễ nhận ra sự khéo léo, nét tinh tế đầy tính nữ trong cách kết của bộ phim. Một cách kết mở khi Quang lao theo Mây trên chiếc thuyền buông trôi theo dòng Châu. Để tránh đi chăng một câu trả lời cụ thể vốn không dễ thỏa mãn người xem về số phận con người sau cuộc chiến? Dù thế nào thì bộ phim vẫn gửi gắm được sự ấm áp, nhân hậu và tâm thế lạc quan của người làm phim tới khán giả.
Hy vọng vào một thế hệ đạo diễn trẻ
Tất nhiên, "Người trở về" của nữ đạo diễn sinh năm 1980 Đặng Thái Huyền không phải đã hoàn hảo thể hiện trong một vài bối cảnh, trong đôi chỗ diễn xuất, trong tạo điểm nhấn... Song từ đây, người xem có quyền hy vọng vào một thế hệ trẻ làm phim chiến tranh bằng cảm xúc và sáng tạo. Trả lời cho câu hỏi về việc vì sao mất 6 năm chuyển thể "Người về bến Sông Châu" sang phim truyện điện ảnh khi tác phẩm này cũng từng một lần được làm phim, nữ đạo diễn cho rằng: "Nếu là một cốt truyện lay động mà tôi yêu thích thì dù đã được chuyển thể đến 10 lần tôi vẫn cứ theo đuổi làm phim".
Nói như nghệ sĩ Dũng Nhi (vai người cha của Mây), rằng không phải ai khác mà chính lớp nghệ sĩ trẻ thế hệ 7X, 8X hôm nay sẽ là những người tiếp tục khai thác dòng phim đề tài chiến tranh, sẽ là những người viết tiếp nền điện ảnh dân tộc.
Càng lùi xa có phải đề tài này càng có những điều kiện nhìn nhận mới... Chưa kể với mỗi đạo diễn ở mỗi thế hệ, câu chuyện này lại mang đến những sắc thái riêng. Cảm hứng lãng mạn, anh hùng ca và cách tái hiện những số phận trong phim của Bùi Tuấn Dũng khác với cảm hứng trong phim của Đặng Thái Huyền. Và chắc chắn phim của Đặng Thái Huyền sẽ có góc nhìn khác với phim của các nữ đạo diễn thế hệ trước cô. Vấn đề là họ rất cần tiếp tục được cổ vũ trong một môi trường điện ảnh phát triển hơn nữa.