Xã của những tỷ phú chăn nuôi
Xã hội - Ngày đăng : 06:28, 30/08/2015
Anh Đặng Văn Minh (Thôn 4, xã Trung Châu) khởi đầu chăn nuôi lợn từ năm 2010 với gần 50 con lợn nái. Thấy hiệu quả, anh đã mạnh dạn vay vốn mở trang trại với quy mô lớn. Đến nay, anh có hơn 100 con lợn nái và 6.000 lợn thịt, hằng năm bán ra thị trường hơn 1.000 tấn lợn thương phẩm, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 1 tỷ đồng. Cũng với trang trại này, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với thu nhập 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Không riêng anh Minh, nhiều hộ dân xã Trung Châu đã vươn lên làm giàu và trở thành tỷ phú nhờ nuôi
lợn. Hộ ít cũng thu nhập vài triệu đồng/năm, hộ nhiều thì tiền tỷ. Vậy nên hễ nhắc đến xã Trung Châu, người ta lại gọi vui là "xã của những tỷ phú nuôi lợn". Là xã duy nhất có đặc thù không cấy lúa song Trung Châu lại là địa phương đi đầu trong chăn nuôi lợn. Toàn huyện Đan Phượng hiện có hơn 3.600 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 90.000 con thì riêng đàn lợn của các hộ chăn nuôi xã Trung Châu đã chiếm... 50%.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Trung Châu cho biết, toàn xã có 240ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều diện tích chỉ làm màu một năm hai vụ ngô, một vụ đậu tương nên đời sống nông dân lâu nay khó khăn. Để giúp nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền đã mạnh dạn đưa nhiều mô hình sản xuất vào giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong nhiều mô hình phát triển kinh tế, đem lại thu nhập ổn định là chăn nuôi lợn. Đến nay, Trung Châu có 80% số hộ gia đình (1.000 hộ) chăn nuôi lợn, trung bình mỗi hộ chăn nuôi 30-50 con trở lên. Theo tính toán, một con lợn nái đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa 10 con, nếu bán luôn lợn nhỏ được 1 triệu đồng/con, còn bán cả đàn dao động 5-8 triệu đồng/đàn. Hằng năm, mỗi hộ "bỏ túi" vài trăm triệu đồng, hộ chăn nuôi lớn thì thu hàng tỷ đồng.
Tuy vậy, dù mô hình chăn nuôi lợn tại xã Trung Châu là điểm sáng của huyện Đan Phượng, song bên cạnh cái được về kinh tế thì người dân đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường bởi hầu như hoạt động chăn nuôi nằm trong hộ gia đình. Năm 2012, xã đã xây dựng dự án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với diện tích 11,5ha nhưng đến nay, mới chỉ có 9 hộ dân chuyển đổi thành công, còn lại đang vướng thủ tục. Ngoài ra, xã đã lập dự án chăn nuôi xa khu dân cư với khoảng 10ha vùng bãi song cũng lại "vướng" do nằm cạnh vùng quy hoạch thoát lũ. Loay hoay với cái nghèo bao nhiêu năm, nay người dân đã tìm được hướng phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi lợn nhưng họ đang phải đối mặt với hậu quả ô nhiễm môi trường.