Bài 1: Tạo chuyển biến từ chính những bất cập
Giáo dục - Ngày đăng : 06:16, 30/08/2015
LTS: Chưa đầy một tuần nữa, tiếng trống khai giảng năm học 2015-2016 sẽ vang lên ở tất cả các trường học trên cả nước. Một năm học mở ra với nhiều kỳ vọng về những đổi mới mạnh mẽ của ngành Giáo dục. Mỗi cấp học, ngành học sẽ phải khắc phục những hạn chế để tạo chuyển biến rõ nét hơn, toàn diện hơn, làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Loạt bài "Năm học mới: Lo toan và nhiều kỳ vọng" sẽ khắc họa phần nào những đổi thay ban đầu, song rất cụ thể ở từng nhà trường ngay từ những ngày đầu năm học mới.
Bài 1: Tạo chuyển biến từ chính những bất cập
Khai giảng năm học 2015-2016 có lẽ sẽ rất đáng nhớ với hàng chục triệu học sinh (HS) và cả phụ huynh các cấp học trên cả nước khi mà tất cả các nhà trường đều tổ chức buổi lễ trọng đại này vào cùng một ngày - Ngày 5-9. Sự điều chỉnh này của ngành Giáo dục xuất phát từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, với mong muốn giảm bớt vất vả cho HS khi phải tập dượt, xếp hàng dãi nắng, mưa để chờ lãnh đạo, hoặc phải nghe những bài phát biểu mà có khi chẳng hiểu gì…
Niềm vui ngày khai giảng của các em thiếu nhi Mộc Châu, tỉnh Sơn La. |
Vực dậy từ chính những hạn chế
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có gần 20 triệu HS các cấp học, trong đó cấp học mầm non có 4,4 triệu trẻ, tăng 180 nghìn trẻ so với năm học trước; 15,08 triệu HS phổ thông, tăng 180 nghìn HS. Hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục các cấp học được phân bố rộng trên cả nước với hơn 43 nghìn trường. Mầm non là cấp học có sự phát triển mạnh mẽ nhất về quy mô với 14.200 trường, tăng gần 400 trường so với năm học trước. Điều này thể hiện sự quan tâm, đầu tư cho cấp học đầu đời của trẻ, cấp học mà vài năm trước thường bị bỏ quên, hoặc cho rằng có cũng được, không có cũng không sao.
Năm học vừa qua được đánh giá có nhiều dấu ấn đổi mới, phần nào đem lại những dư âm tích cực và niềm tin cho xã hội về quyết tâm của ngành Giáo dục, điển hình là đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới chương trình, sách giáo khoa… Như đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị tổng kết của toàn quốc do Bộ GD-ĐT tổ chức vào ngày 12-8 vừa qua, dù còn điểm này, điểm khác chưa hoàn toàn hài lòng, nhưng với sự nỗ lực của ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội, giáo dục năm học qua đã gặt hái được kết quả đáng mừng. Theo Phó Thủ tướng, kết quả ấy là minh chứng cho sự cần thiết, đúng hướng của các chủ trương đã vạch ra để toàn ngành và toàn xã hội yên tâm, vững tin tiếp tục triển khai các công việc tiếp theo trong lộ trình đổi mới giáo dục.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để đạt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29-NQ/Tư, năm học mới 2015-2016, ngành Giáo dục cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tìm ra giải pháp thiết thực, phù hợp và cụ thể hóa thành các đầu việc, tạo chuyển biến rõ rệt từ chính những bất cập, hạn chế này. Một trong những việc được chọn triển khai ngay từ những ngày đầu năm học là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS - một trong những nội dung được coi là "có vấn đề", thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Đây sẽ là mảng việc được toàn ngành tập trung triển khai trong năm học mới, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục toàn diện.
Học sinh cần được tạo những điều kiện tốt nhất để học tập và phát triển toàn diện. Ảnh: Viết Thành |
Bắt đầu từ những việc nhỏ
Và sự đổi mới ấy, theo như chỉ đạo của Phó Thủ tướng, hãy làm tất cả vì HS, để các em bớt vất vả khi đến trường, trong đó chú ý tới cả những việc nhỏ, thật cụ thể, chứ không phải chỉ quan tâm đổi mới ở những mảng việc có tính chất vĩ mô. Việc đổi mới lễ khai giảng bắt nguồn từ mong muốn ấy, phần nào giảm bớt sự vất vả cho HS, đồng thời để lễ khai giảng thực sự là một ngày hội của chính các em, chứ không phải vì người lớn. Tinh thần ấy nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội. Bởi sự cồng kềnh, phức tạp không cần thiết trong lễ khai giảng đã trở nên khá phổ biến và hiểu hơn ai hết là chính những người trong cuộc: Thầy cô giáo, HS và phụ huynh. Ngày 18-8, khi Bộ GD-ĐT có Văn bản chỉ đạo về việc tổ chức lễ khai giảng, chiều cùng ngày, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã cụ thể hóa tinh thần này tới tất cả các phòng GD-ĐT và nhà trường bằng các đầu việc, thời điểm thống nhất trên toàn thành phố, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cán bộ, giáo viên, HS phải hát Quốc ca trong lễ chào cờ Tổ quốc.
Nhằm tạo chuyển biến trong công tác giáo dục toàn diện cho HS, từ năm học tới đây, Hà Nội yêu cầu các nhà trường duy trì nền nếp trực nhật lớp hằng ngày đối với HS, không được thuê dịch vụ. Việc tổ chức định kỳ các buổi lao động tập thể với sự tham gia của giáo viên, nhân viên và HS được coi là một nhiệm vụ quan trọng không kém việc dạy học tại trường. Trước đây, mọi HS đều có nhiệm vụ trực nhật, đến phiên trực nhật phải đem theo chổi quét lớp, quét sân, lau bảng. Song cách đây chừng hơn chục năm, việc thuê người làm vệ sinh trường lớp học được coi là một ý tưởng, thậm chí, có hiệu trưởng từng đưa nội dung này thành đề tài sáng kiến kinh nghiệm, giúp HS có thêm thời gian tập trung vào việc học, giáo viên cũng đỡ mất thời gian phân công, giám sát việc làm vệ sinh lớp. Thế nhưng, qua thời gian, "sáng kiến" này đã để lại nhiều hệ lụy, mà không ít người cả trong và ngoài ngành Giáo dục đều thấy, nhưng chưa có cơ hội "xốc" lại.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho rằng, sự thay đổi này là cần thiết trong xã hội hiện nay, nhằm tập cho các em quen dần với lao động, biết tôn trọng thành quả lao động, từ đó có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, biết hỗ trợ nhau. Việc trực nhật lớp chỉ mất năm mười phút, nhưng các em nhận lại nhiều điều tốt đẹp về giá trị cuộc sống. Rõ ràng, giáo dục đạo đức, trong đó có giáo dục kỹ năng sống cho HS không cần thiết phải bắt đầu từ việc gì đó cao siêu, mà sẽ tạo lập được từ những việc nhỏ, gần gũi nhất trong nhà trường, mà hiệu quả lại không nhỏ.