Không thể giải quyết úng ngập bằng biện pháp tình thế
Xã hội - Ngày đăng : 08:02, 29/08/2015
Hàng loạt tuyến phố bị ngập, nặng nhất là phố Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Cao Bá Quát, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt (trước cổng Trường Đại học Điện lực), Phan Văn Trường, Trần Quốc Hoàn, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Trường Chinh, ngã tư Tây Sơn - Thái Hà, Nguyễn Khuyến...
với mức ngập từ 0,2 đến 0,5m, dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ. Đến thời điểm 20h30, sau khi mưa ngớt 30 phút, cơ bản nước rút, tuy nhiên tình trạng úng ngập vẫn còn xảy ra trên các tuyến phố Nguyễn Thái Học, Cao Bá Quát (Ba Đình), Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trường (Cầu Giấy), Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân (Thanh Xuân), Triều Khúc (Thanh Trì), Nguyễn Khuyến (Đống Đa). Đây cũng vốn là những trọng điểm ngập đã được đơn vị chủ quản đưa vào phương án ứng trực, xử lý.
Ảnh báo Người lao động |
Một vấn đề được đặt ra là sau hàng loạt dự án cải tạo hệ thống thoát nước, tại sao tình trạng úng ngập khi có mưa lớn vẫn chưa được cải thiện? Lý giải điều này, không ít lần ngành chức năng cho hay, tổng chiều dài các tuyến mương thoát nước trên địa bàn thành phố là 113km, trong đó hơn 40km kênh, sông thoát nước khu vực nội thành đã được cải tạo trong khuôn khổ dự án thoát nước giai đoạn I. Còn lại, phần lớn mương thoát nước có tiết diện nhỏ, cao độ đáy hiện trạng không bảo đảm năng lực tiêu thoát nước mưa. Các tuyến kênh, mương thuộc dự án thoát nước giai đoạn II đang thi công dở dang, chưa phát huy hiệu quả thoát nước mùa mưa năm 2015.
Tương tự, tổng chiều dài mạng lưới cống, rãnh thoát nước khoảng 2.285km, trong đó 100 tuyến cống trong khu vực các quận trung tâm được cải tạo trong dự án I và II. Trong đó, một số tuyến cống chính, dự kiến hoàn thành bàn giao năm 2015, nhưng không bảo đảm tiến độ (trong đó có hạng mục cống hóa mương Thụy Khuê...) đã ảnh hưởng đến năng lực tiêu thoát, là nguyên nhân gây ngập. Đối với khu vực mới phát triển như quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… điểm úng, ngập xuất hiện ngày càng "dày" do chưa có hệ thống thoát nước đồng bộ; hậu quả của việc đô thị hóa không theo quy hoạch, kế hoạch. Cá biệt, có cả khu đô thị mới cũng bị ngập do hệ thống hạ tầng không được kết nối với hệ thống thoát nước chung của thành phố.
Trước khi bước vào mùa mưa, có lẽ đơn vị chủ quản đều lên kế hoạch cụ thể, trong đó liệt kê các điểm ngập, phương án bố trí nhân lực, phương tiện trực tại hiện trường. Với hệ thống thoát nước hiện tại, những trận mưa cường độ dưới 50mm/2 giờ, cơ bản trên địa bàn thành phố không có điểm ngập nhưng lượng mưa từ 50mm trở lên thì có tới 23 điểm ngập. Số điểm ngập sẽ tăng dần tỷ lệ thuận với cường độ mưa. Cũng theo phương án của đơn vị chủ quản, trên địa bàn thành phố có 85 hồ điều hòa. Mỗi khi mưa lớn, toàn bộ cửa thu nước vào hồ được mở tiêu thoát nước mưa.
Cùng với đó, các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I và II hoạt động hết công suất, nhanh chóng hạ mực nước trên hồ chứa và kênh, sông chính thoát nước. Với điểm ngập sâu, nước không tự chảy hoặc hệ thống cống, rãnh tiết diện nhỏ, đơn vị chủ quản cũng huy động dàn thiết bị cơ giới, máy bơm di động, bơm - hút để đưa nước ra hệ thống thoát nước chính. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi muốn giải quyết căn bản ngập úng khi mưa lớn cần phải đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước trong nội thành. Cùng với đó, những khu vực đô thị mới phải được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với nhà ở; kết nối hệ thống hạ tầng khu đô thị với hạ tầng chung của thành phố. Chính quyền phải giám sát chặt chẽ chủ đầu tư, tránh để xảy ra tình trạng chỉ tập trung làm nhà để bán, không chịu đầu tư hạ tầng kỹ thuật.