Vai trò rõ nét của đại biểu chuyên trách

Chính trị - Ngày đăng : 06:48, 29/08/2015

(HNM) - Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp TP Hà Nội đang bước vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ 2011-2016, nhiệm kỳ được đánh giá có nhiều chuyển biến.


Yếu tố góp phần không nhỏ vào chất lượng hoạt động của HĐND các cấp chính là nâng cao số đại biểu chuyên trách, tăng tính phản biện, theo đến cùng các vấn đề được nêu ra tại các kỳ họp, giám sát và tái giám sát.

Tăng số lượng đại biểu chuyên trách

Quyết tâm đổi mới hoạt động, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016, Đảng đoàn HĐND thành phố đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 19-10-2012 về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016". Sau khi có đề án, tổ chức bộ máy HĐND các cấp tại Hà Nội từng bước được kiện toàn, củng cố theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, đặc biệt tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.

Đông đảo cử tri đánh giá cao hiệu quả hoạt động của đại biểu chuyên trách HĐND. Ảnh: Thái Hiền


Tại HĐND thành phố, nhiệm kỳ 2011-2016, số đại biểu chuyên trách nâng lên 14,5% (thay vì 7,6% như nhiệm kỳ 2004-2011). Mỗi ban HĐND có một trưởng ban và hai phó trưởng ban chuyên trách. Ba đồng chí Thường trực HĐND cũng hoạt động chuyên trách, trong đó ủy viên thường trực kiêm nhiệm trưởng ban kinh tế - ngân sách. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND thành phố cũng kiện toàn chánh văn phòng và một phó chánh văn phòng là đại biểu HĐND thành phố; một phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố cũng là đại biểu HĐND thành phố. Như vậy, riêng tại cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố có tới 14 đại biểu HĐND thành phố.

HĐND các quận, huyện, thị xã cũng được củng cố, kiện toàn từng bước và đạt 15% cán bộ chuyên trách, bảo đảm có ít nhất 2/3 đồng chí thường trực HĐND hoạt động chuyên trách, hai ban HĐND đều có trưởng hoặc phó trưởng ban chuyên trách; văn phòng HĐND và UBND cấp huyện có ít nhất một lãnh đạo văn phòng và tăng cường chuyên viên chuyên trách giúp việc HĐND. Đến nay, HĐND cấp xã trên địa bàn thành phố cũng đã có 10% cán bộ chuyên trách, bảo đảm chủ tịch hoặc phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Theo đánh giá của Thường trực HĐND thành phố, việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở cả ba cấp bảo đảm đủ số lượng để thực thi nhiệm vụ. Từ đó, hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội từng bước được đổi mới, đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả hơn.

Tăng chất lượng hoạt động

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND TP Hà Nội đã ban hành 118 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết về công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực và 13 nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô. Các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo phục vụ việc ban hành nghị quyết được các ban phối hợp thẩm tra kỹ lưỡng, có chất lượng, cung cấp nhiều thông tin cho đại biểu trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định, từ đó chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND thành phố được nâng lên rõ rệt, mang tính khả thi, phù hợp thực tế.

Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức 21 cuộc giám sát, tập trung vào những vấn đề lớn, vấn đề khó, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Là thành phần chủ yếu trong các cuộc giám sát, đại biểu chuyên trách đã phát huy vai trò của mình, nghiên cứu chuyên sâu tài liệu, phát hiện vấn đề, đưa thông tin chính xác, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp pháp luật và thực tế ở địa phương với các luận cứ thuyết phục.

Ngoài tham gia các đoàn giám sát của thường trực, ba ban HĐND thành phố tổ chức được 66 cuộc giám sát, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Thông qua các cuộc giám sát, khảo sát, các ban HĐND thành phố đã làm rõ kết quả, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị. Các nội dung đề xuất, kiến nghị, những vấn đề nổi cộm, còn nhiều vướng mắc được tổng hợp để làm việc với UBND thành phố và các sở, ngành liên quan nhằm thống nhất quan điểm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn và có giải pháp khắc phục. Nhiều sự việc dân sinh bức xúc đã được giải quyết sau các cuộc giám sát của các ban HĐND thành phố, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Hơn 10 kỳ họp của nhiệm kỳ 2011-2016 cho thấy hiệu quả rõ nét của hoạt động chất vấn. Các đại biểu chuyên trách khách quan hơn trong việc đánh giá, suy xét các vấn đề từ việc thu nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, của công dân hay qua giám sát, khảo sát thực tế; không ngại va chạm, tự tin khi chất vấn hoặc phát biểu ý kiến bảo vệ các quan điểm của mình, giúp HĐND có quyết định, kiến nghị đúng đắn, phù hợp với các quy định của pháp luật, bảo đảm tính khả thi. Đặc biệt, nhiều vấn đề được tái chất vấn, chất vấn đến cùng như: Đầu tư cho khoa học - công nghệ; giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản; quản lý trật tự xây dựng; xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo"; quản lý nhà biệt thự...

Tới đây Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, thay đổi cấu trúc, thẩm quyền của chính quyền địa phương như nâng số đại biểu chuyên trách, tăng thêm phó chủ tịch HĐND, thành lập thêm ban phụ trách lĩnh vực đô thị… Với những điểm mới của luật, HĐND TP Hà Nội có cơ hội mở rộng, tăng thêm đại biểu chuyên trách, nâng cao hiệu quả hoạt động, vị thế của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Việt Tuấn