Hội nhập gắn với con người

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 29/08/2015

(HNM) - Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2015, rất nhiều vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế đã được đề cập, lý giải trên nhiều bình diện: Việt Nam tham gia hội nhập có quá nhanh không? Chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức gì khi tham gia


Trong hàng loạt vấn đề được đặt ra, có những ý kiến rất đáng chú ý, ví dụ: Khi tham gia hội nhập, có thể "chết" đến 100.000 doanh nghiệp, nhưng sẽ mọc ra 200.000 doanh nghiệp khác. Song với giới công chức, liệu có thể đuổi việc được họ? Hoặc giả doanh nghiệp khi tham gia hội nhập có thị trường dẫn dắt bằng các nguyên tắc, nhưng con người công chức thì ai điều chỉnh?

Vì sao có những ý kiến như vậy? Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để tránh rơi vào bẫy tự do hóa thương mại trong quá trình hội nhập thì yếu tố bộ máy, con người là quan trọng nhất. Nếu không có sự cải cách ở khâu then chốt này thì dù có sửa 100 luật cũng không thể thay đổi được tình hình... Những ý kiến như vậy không phải không có lý, bởi lẽ có rất nhiều vấn đề doanh nghiệp không thể "tự bơi" mà đòi hỏi quyết sách ở tầm quốc gia - nói cách khác, phải có "bàn tay" của cơ quan quản lý nhà nước. Chính xác hơn là những "công bộc" trực tiếp tham gia những tiến trình này.

Trong khi đó, đội ngũ công chức - những người không chỉ có trách nhiệm tham mưu mà còn trực tiếp thực thi nhiệm vụ hiện nay có sức ì quá lớn. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển có một nhận xét rất đáng suy nghĩ: Việt Nam hội nhập nhanh, nhưng những cải cách bên trong chậm nên không tận dụng được nhiều cơ hội và vượt qua được những khó khăn do quá trình hội nhập tạo ra.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hội nhập cần đi liền với đổi mới. Chúng ta mới chỉ giảm thời gian thông quan, câu chuyện lớn là cần có đột phá thì đến giờ này chưa làm được bao nhiêu. Có một thực tế là, quá trình hội nhập, toàn cầu hóa không hề làm giảm vai trò của Nhà nước.

Nhưng Nhà nước phải thay đổi chức năng từ Nhà nước chỉ huy sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Và như vậy, công chức nhà nước sẽ phải thể hiện tư tưởng đó qua từng việc làm. Thế nhưng đội ngũ công chức hiện nay vẫn "sáng cắp ô đi tối cắp về", nói chính xác hơn vẫn tư duy theo kiểu xin - cho, không phải là người phục vụ - nhà kiến tạo. Nếu đội ngũ này không có tư duy đổi mới, tư duy hội nhập - tư duy của những người kiến tạo và những người phục vụ, chắc chắn không thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt.

Hội nhập gắn với con người. Đã đến lúc chúng ta cần có những con người không chỉ biết ngồi đó để thảo luận về luật chơi do người khác đặt ra mà phải biết đóng góp, kiến tạo luật chơi. Như vậy, bên cạnh những vấn đề về doanh nghiệp, rõ ràng sức ì của đội ngũ công chức cũng là một yếu tố cản trở tiến trình hội nhập kinh tế hiện nay. Nếu không có giải pháp cải cách đội ngũ này, rất khó tránh nguy cơ tụt hậu.

Thế Phương