Cơ quan quản lý cũng phải vào cuộc!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:17, 28/08/2015

(HNM) - Tại nhiều diễn đàn liên quan đến chủ đề hội nhập, có không ít ý kiến từ các bộ, ngành cũng như giới chuyên gia kinh tế cho rằng: Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa chủ động, hiểu biết lơ mơ, chưa có kịch bản ứng phó… trong khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang sầm sập


Nếu thực trạng này kéo dài, nguy cơ "thua trên sân nhà" trên nhiều lĩnh vực như: Thị trường bán lẻ, chăn nuôi, hàng tiêu dùng…, kể cả ngành có thế mạnh là nông sản sẽ không còn là lời cảnh báo. Tuy nhiên, vai trò không thể thiếu của các cơ quan quản lý nhà nước với nhiệm vụ dẫn dắt, tạo hành lang pháp lý, liên quan đến vấn đề nêu trên lại chưa được đề cập một cách đúng mức.

Do vậy, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu - sự kiện thường niên trong những năm gần đây - khai mạc sáng 27-8 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam - Hội nhập và phát triển", quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu cả nước, ý kiến của Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung được nhiều người chú ý. Ông Cung cho rằng, lâu nay nói hội nhập thường hay phê phán là DN không tích cực chuẩn bị, rất yếu trong cạnh tranh... Nhận xét như vậy là đúng nhưng chưa đủ, bởi DN Việt Nam "như đang đi trên cầu khỉ, trên lưng bị đè nặng bởi khối đá đó là chi phí, họ cúi đầu dò dẫm từng bước một để sao cho khỏi rơi xuống sông nên không thể nhìn xa đến bên ngoài được"...

Không khó để nhận thấy, quá trình hội nhập của Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây đã mang lại cho đất nước tăng trưởng về kinh tế, đầu tư và thu nhập. Tuy nhiên, mức độ mở cửa càng lớn đồng nghĩa với rủi ro từ bên ngoài càng cao. Để tận dụng tối đa cơ hội cũng như vượt qua những thử thách phía trước, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành những thay đổi về cấu trúc kinh tế chính sách quản lý...

Khi các FTA, AEC có hiệu lực, các dòng thuế quan dần giảm về mức 0% khiến cho nguồn thu quốc gia chịu sức ép lớn, dẫn đến có sự điều chỉnh để giảm thâm hụt bằng cách tăng các loại thuế, phí khác; tăng vay nợ hoặc cắt giảm chi tiêu thường xuyên, trợ cấp, đầu tư công… để giữ ổn định cán cân ngân sách. Một số chính sách đó có thể sẽ cản trở nỗ lực phục hồi nền kinh tế, tăng khả năng xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Điều đó đòi hỏi tùy từng giai đoạn và mục tiêu chính sách, các biện pháp cân bằng cán cân ngân sách này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để không xảy ra tác động ngược, làm khó DN.

Mặt khác, vấn đề đau đầu nhất với các DN trong nước khi hội nhập đó là chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu. Với độ phủ rất rộng, khó DN nào có thể hiểu cặn kẽ và sớm có phương án kinh doanh thích hợp nếu không có được sự hỗ trợ, tư vấn từ các cơ quan quản lý nhà nước. Một đội ngũ các chuyên gia giỏi ngoại ngữ, thông thạo về công pháp quốc tế, luật kinh tế quốc tế… để làm chỗ dựa cho các hiệp hội, ngành hàng trước những tranh chấp quốc tế tất yếu sẽ xảy ra đang đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương từ các cơ quan quản lý. Ngoài ra, trước làn sóng vốn đầu tư nước ngoài sẽ đổ bộ vào trong thời gian tới, việc cải cách hành chính, chính sách đầu tư, phát triển các ngành phụ trợ nhằm tận dụng những lợi ích mà FTA, AEC đem lại có ý nghĩa quan trọng. Những "phần việc khó" đó rõ ràng chúng ta chưa thực hiện tốt và DN không thể tự làm được, đòi hỏi những quyết sách cụ thể ở tầm quốc gia.

Việt Nam hiện đứng đầu ASEAN và không thua bất cứ nước nào trên thế giới về tốc độ đàm phán, ký kết các FTA. Hầu hết hiệp định này đều đòi hỏi mức độ hội nhập rất cao nhưng bản thân các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa thật sự vào cuộc, vì thế chưa thể trợ giúp được DN và đó là thực trạng đáng lo ngại hiện nay. 

Đan Nhiễm