Đang bị buông lỏng quản lý
Kinh tế - Ngày đăng : 06:12, 28/08/2015
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra những dẫn chứng chi tiết trong cuộc giải trình diễn ra ngày 27-8. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ TN&MT, việc khắc phục cần thời gian, kinh phí và phải rà soát lại.
"Nóng" chuyện thâu tóm đất đai...
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất tại các nông trường, lâm trường quốc doanh 2004 - 2014, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh nhận định: Qua giám sát về thực trạng hoạt động của các nông trường, lâm trường cho thấy còn nhiều tồn tại khá lớn tới nay chưa được khắc phục.
Điển hình là tình trạng thất thoát tài sản nhà nước do buông lỏng quản lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa. "Chúng tôi đến Công ty Chè Mộc Châu (Sơn La) hỏi ra mới biết, công ty này đã chuyển đổi 100% thành công ty cổ phần, Nhà nước không giữ phần trăm cổ phần nào. Khi cổ phần hóa, ngân sách nhà nước thu về khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Năm 2014, công ty này nộp khoảng 2,4 tỷ đồng vào ngân sách trong khi quản lý tới 4.800ha đất. Hay Công ty Nông nghiệp Mường La hiện nay không sống được, nợ nần chồng chất, vậy thì khi chuyển đổi, người dân được gì, Nhà nước được gì? Tôi cho rằng không những không được gì mà còn mất đi" - đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói thêm.
Việc quản lý và sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Yến Ngọc |
Cũng theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, không chỉ việc chuyển đổi các nông trường, lâm trường quốc doanh thành công ty cổ phần ở nhiều nơi chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới; việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều lúng túng, việc xây dựng thương hiệu còn hạn chế... Có tình trạng lợi dụng quy trình giao đất lỏng lẻo để thâu tóm đất đai, sử dụng trái mục đích, trong khi Nhà nước không thu được hết tiền thuê đất. Qua giám sát phát hiện Lâm trường Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) 10 năm nay không có giám đốc vì không được phê duyệt đề án tái cơ cấu. Cán bộ, công nhân lâm trường sống lay lắt bằng tiền dịch vụ môi trường rừng và 3 tháng nay họ không nhận được đồng nào.
Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: Mặc dù quản lý đất, rừng lớn nhưng một số nông, lâm trường rất khó khăn như Lâm trường Văn Chấn chủ yếu nhận hỗ trợ từ các dự án của Nhà nước. Định hướng Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ, nơi nào hoạt động không hiệu quả thì tùy theo vị trí, đặc điểm của nông trường, lâm trường mà xử lý, có thể giải thể, giao đất cho hộ gia đình, tổ chức khác quản lý.
Những lo ngại về việc thất thoát đất, tài sản của Nhà nước như ý kiến của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Riêng việc cổ phần hóa chỉ cổ phần hóa tài sản trên đất còn đất đai vẫn do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, vị "tư lệnh" ngành nông nghiệp thừa nhận có việc sử dụng đất, cho thuê đất một cách tùy tiện và hứa sẽ xem xét, chấn chỉnh. Còn đời sống công nhân có giảm hay không, sẽ cho kiểm tra cụ thể. "Theo báo cáo thì tình hình khả quan hơn" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
....và người dân không có đất sản xuất
Trong khi chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần chưa hiệu quả, để lại những hệ lụy xấu thì vấn đề hết sức đáng quan ngại là nhiều hộ dân lại không có đất sản xuất. "Trong số 13 triệu héc ta rừng hiện nay, diện tích rừng được giao trực tiếp cho các hộ gia đình chỉ chiếm 26%, cộng đồng quản lý 2%. UBND cấp xã không phải là đơn vị được giao quản lý đất rừng, nhưng lại đang nắm khoảng 2,1 triệu héc ta, trong khi nhiều hộ dân không có đất sản xuất, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Việc làm này có đúng quy trình không, trách nhiệm của Bộ NN& PTNT đến đâu?" - đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Cao Đức Phát lý giải, diện tích 2,1 triệu héc ta đất nông nghiệp do UBND xã quản lý mà không giao cho dân là vì những khu vực đất này ở xa dân, không thuận tiện sản xuất hoặc là đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Không phải là có đất tốt mà dân thiếu đất lại không giao.
Không đồng tình với câu trả lời của "tư lệnh" ngành nông nghiệp, đại biểu Đỗ Văn Đương lập luận, đã là đất nông trường, lâm trường thì chắc chắn là đất tốt, không thể là đất sỏi đá. Vì vậy, đại biểu đề nghị kiểm tra để làm rõ vấn đề, đằng sau xã, ai là người "hưởng dụng" diện tích đất ấy. Đại biểu Chu Sơn Hà (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) dẫn chứng thêm, tại xã Ba Vì (Hà Nội) đồng bào không có đất sản xuất phải sang tận Trung Quốc làm thuê, đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Trong khi đó, đất ven vùng đệm của Rừng quốc gia Ba Vì lại giao cho các cá nhân, tổ chức ở nơi khác đến để bảo vệ chứ không giao cho đơn vị sở tại. Ông Chu Sơn Hà thẳng thắn cho rằng: Công tác quản lý đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh đã bị buông lỏng nhiều năm nay và vẫn buông lỏng đến tận giờ phút này; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ mốc thời gian khắc phục với giải pháp quyết liệt hơn.
Trước các phản ánh trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ tiếp thu: "Tôi sẽ đề xuất thực hiện rà soát lại. Diện tích nào có khả năng cho dân sản xuất sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội giao cho dân và các tổ chức phù hợp quản lý sử dụng; đồng thời có cơ chế hữu hiệu hơn để xác định chủ quản lý cụ thể phần đất này".
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang: Khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất nông trường Trước báo cáo của 40 tỉnh, thành phố cho thấy, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất nông trường chưa đạt 50%, với đất lâm trường chỉ đạt khoảng 25%, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhận định: Đây là việc rất khó khăn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải trên cơ sở lập bản đồ địa chính. |