Thỏa thuận bên “miệng hố chiến tranh”
Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 27/08/2015
Đại diện hai miền khi kết thúc đàm phán đêm 24-8. |
Thỏa thuận thể hiện bằng một "cam kết" gồm 6 điểm nêu rõ các biện pháp mà Seoul và Bình Nhưỡng cần thực hiện để giảm tối đa căng thẳng dẫn tới đối đầu quân sự. Theo đó, hai bên nhất trí có cuộc đối thoại liên chính phủ tại Seoul hoặc Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất nhằm cải thiện quan hệ liên Triều cũng như tiếp tục đối thoại và đàm phán về các vấn đề khác. Triều Tiên lấy làm tiếc vụ các binh sĩ Hàn Quốc bị thương trong vụ nổ mìn ở Khu phi quân sự (DMZ) bên phía Hàn Quốc thời gian vừa qua. Hàn Quốc sẽ ngừng chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng bằng hệ thống loa phát thanh tại khu vực biên giới bắt đầu từ 0h00 ngày 25-8. Hai miền cũng đồng ý thực hiện cuộc đoàn tụ các gia đình bị li tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào dịp Trung thu tới và tiếp tục tổ chức các cuộc đoàn tụ trong tương lai; đồng thời, mở phiên họp Hội Chữ thập đỏ hai miền vào đầu tháng 9 tới để chuẩn bị cho các cuộc đoàn tụ; đồng ý thúc đẩy giao lưu dân sự giữa hai miền trên nhiều lĩnh vực...
Những gì diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên ít ngày gần đây cho thấy, mức "leo thang" căng thẳng giữa hai miền và nguy cơ về một cuộc chiến có thể nổ ra. Mỹ đã ngừng cuộc tập trận chung thường niên "Người bảo vệ tự do Ulchi" với Hàn Quốc gần giới tuyến và đây được cho là "lựa chọn mềm" vào phút chót của Washington để tránh xảy ra sự cố "cướp cò". Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng", thỏa thuận vừa đạt được giữa Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo và Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-Gon phụ trách các vấn đề quan hệ với Hàn Quốc được cả thế giới hoan nghênh. Thỏa thuận đã thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo hai bên trong chấm dứt đối kháng. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc đàm phán như một cuộc gặp thượng đỉnh gián tiếp giữa hai miền. Điều quan trọng hơn, thỏa thuận đã giúp người dân hai miền Triều Tiên tránh được cảnh "huynh đệ tương tàn".
Sự kiện Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được thỏa thuận bên "miệng hố chiến tranh" mở ra hy vọng về một Bán đảo Triều Tiên yên bình qua đối thoại. Hơn bao giờ hết Bán đảo Triều Tiên cần một nền hòa bình để phát triển. Kinh nghiệm thực tế từ những cuộc xung đột trên thế giới thời gian qua đã cho hai miền Triều Tiên bài học được - mất khi giới hạn đối thoại bị phá vỡ. Cả hai bên đều ý thức rõ hành động thiếu kiềm chế chỉ gây thiệt hại mà người dân phải gánh chịu như những gì đang diễn ra tại các điểm "nóng" trên thế giới.
Ngòi nổ chiến tranh Hàn Quốc - Triều Tiên vừa được tháo. Ghi nhận của báo chí ngày 26-8 cho thấy, Hàn Quốc đã giảm cấp độ báo động cao nhất từng được duy trì dọc tuyến biên giới giữa hai miền Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên cũng có những động thái tương tự khi các đơn vị pháo binh tiền tuyến trở lại trạng thái bình thường từ tình trạng sẵn sàng khai hỏa... Rõ ràng cả hai bên không muốn xảy ra xung đột. Thế nhưng, làm thế nào để không tái diễn cuộc khủng hoảng tương tự là câu hỏi được dư luận đang đặt ra với lãnh đạo hai miền Triều Tiên. Bởi trên thực tế còn nhiều "tồn tại" chưa được giải quyết. Trong đó, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng được xem là điểm mấu chốt còn bỏ ngỏ.
Vì thế, dù vừa thoát khỏi "miệng hố chiến tranh", một nền hòa bình thực sự trên Bán đảo Triều Tiên chỉ có thể thành hiện thực khi niềm tin liên Triều không phải là thứ hàng xa xỉ.