Phải bảo đảm nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật

Chính trị - Ngày đăng : 06:04, 27/08/2015

(HNM) - Ngày 26-8, trong ngày làm việc cuối của hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi).

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: Đình Nam


Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) có quy định: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung. Chính phủ chủ trì, phối hợp với Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, việc bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Song đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Đoàn Bình Phước) cho rằng, quy định này chưa chặt chẽ. Để bảo vệ cho bị can khỏi bị bức cung nhục hình, đồng thời cũng bảo vệ chính người hỏi cung để họ không bị vu oan, đại biểu Bùi Mạnh Hùng kiên trì nêu quan điểm mà ông đã phát biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ chín, đó là bắt buộc ghi âm, ghi hình, không đề ra hướng quá mở, dễ dẫn đến lách luật.

Liên quan đến chuyển đổi hình phạt tiền thành phạt tù đề cập trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại diện TAND Tối cao nhận định, nếu không nêu rõ đổi bao nhiêu tiền thành một tháng tù, một năm tù thì tòa án thiếu cơ sở xét xử.

Về đề xuất: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử của ban soạn thảo, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) không đồng ý với việc bỏ hình phạt tử hình với người từ 75 tuổi trở lên. Lý do được đưa ra là người 75 tuổi trở lên vẫn đủ sức khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội nên nếu được miễn trừ án tử hình sẽ không bảo đảm nguyên tắc Hiến định là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật...

Hà Phong