Dính nọc độc, cần sơ cứu đúng

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:39, 26/08/2015

Những động vật nhỏ với lượng nọc độc không nhiều vẫn có thể gây ra biến chứng khó lường nếu xử lý ban đầu không đúng


Bị kiến ba khoang cắn một bên gò má nhưng chị N.T.A (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) phải nghỉ làm tới 3 ngày chỉ vì… gãi, khiến nọc độc lan ra làm đỏ ửng đến nửa khuôn mặt. Chị bị kiến “tấn công” lúc ngủ trưa. “Lúc đó thấy hơi đau, ngứa nên tôi gãi mấy cái rồi vội đi làm việc nhà. Lu bu mãi với công việc, đến gần 2 giờ sau, nhìn vào gương, tôi hốt hoảng khi thấy nửa khuôn mặt đỏ ửng” - chị kể.

Xử lý sai có thể tổn thương não

Anh Ng.M.H (ngụ quận 2, TP HCM), phụ huynh của một bé trai 7 tuổi, cho biết hè vừa rồi, anh đã một phen hốt hoảng khi đưa con trai về quê chơi. Chiều hôm đó, hàng xóm đưa cậu bé về với bắp tay có 2 nốt sưng lớn do ong đốt, nói rằng “đã rửa, đắp lá theo phương pháp gia truyền nên sẽ không sao”. Anh H. tin rằng con đã được đắp thuốc chắc là mau khỏi và ong đốt thì không nặng nhưng ai ngờ đến hôm sau, cậu bé bắt đầu sốt cao, 2 vết ong đốt sưng tấy và gây đau dữ dội, cả nhà liền đưa cháu đến bệnh viện (BV). Bác sĩ (BS) cho biết không những cháu bị nhiễm trùng vì vết thương không được làm sạch, sát khuẩn đúng cách mà việc không lấy túi nọc ra khỏi vết thương còn khiến tình trạng xấu hơn. Lý do là khi ngủ, cháu ngứa quá nên gãi khiến chất độc lan ra.

Nên chườm lạnh để giảm đau và bôi thuốc sát khuẩn lên vết cắn, chích của côn trùng mang nọc độc
 Ảnh: NGỌC ÁNH



BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết vào mùa hè, ngoài rắn - con vật mang nọc độc khiến người ta sợ hãi nhất - trẻ em và cả người lớn cũng có thể bị “tấn công” bởi những con vật có nọc độc nhỏ hơn như bọ cạp, rết, ong, kiến và một số loài bò sát, côn trùng khác… Chúng có vẻ ít nguy hiểm hơn nhưng vẫn có thể để lại hậu quả không nhỏ nếu vết cắn không được sơ cứu hoặc sơ cứu sai. Khi nọc độc đi vào cơ thể nhiều, như bị nhiều con ong đốt cùng lúc hay trong quá trình sơ cứu lỡ làm vỡ túi nọc, nọc độc vào máu, có thể dẫn đến sốc phản vệ, tổn thương não, gan, thận, tán huyết… Riêng trường hợp bị bọ cạp đốt, phản ứng thường gặp là viêm tấy khá nặng, nếu không xử lý đúng có thể gây nhiễm trùng, thậm chí hoại tử.

Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng

Theo ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, đáng lo nhất là sốc phản vệ, có thể gặp trong trường hợp bị ong đốt nhiều, bọ cạp cắn… Khi đó, nạn nhân có thể bị những triệu chứng nguy hiểm như co thắt phế quản, khó thở dẫn đến suy hô hấp, rối loạn nhịp tim… Nếu rơi vào tình huống xấu nhất này, nên gọi ngay đội cấp cứu chuyên nghiệp và chủ động sơ cứu hồi sinh tim, phổi bằng cách ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt nếu nạn nhân bị ngưng tim, ngưng thở. Các thao tác sơ cứu cần được làm sớm trong lúc chờ đội cấp cứu tới vì “thời gian vàng” của nạn nhân chỉ vài phút.

Điều gây ra không ít phiền toái khác là việc xử lý sai làm nọc độc lan rộng và nhiễm trùng. “Nên loại bỏ chất độc tại vết cắn bằng cách rửa vết thương, tốt nhất là bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng. Không nên cố gắng nặn nọc độc ra vì đã có nhiều trường hợp động tác này làm nọc độc lan rộng, gây tổn thương thêm những vùng cơ thể kế cận hoặc khiến nọc độc đi thẳng vào máu, sẽ hết sức nguy hiểm cho tính mạng” - BS Huy khuyên.

Theo BS Tiến, cách tốt nhất khi bị côn trùng hay các động vật nhỏ mang nọc độc cắn là chườm lạnh vết thương cho bớt đau và sát khuẩn vùng bị cắn; có thể dùng xanh methylen, một loại thuốc bôi da sát khuẩn rất thông dụng và rẻ, có bán ở hầu hết nhà thuốc. Riêng vết thương bị ong đốt, nên dùng nhíp để lẩy, gắp túi nọc ra vì ong thường để lại túi nọc và nếu bị vỡ thì chất độc sẽ lan rộng. Nên đến BV nếu xuất hiện các triệu chứng như mệt, ngất, mạch nhẹ, vã mồ hôi, huyết áp tụt, viêm tấy tại chỗ gây khó chịu…

Tuyệt đối không bôi dầu nóng

Cách xử lý rất hay gặp ở người dân là dùng dầu mà phổ biến là các loại dầu nóng như dầu gió, dầu cù là… để xức lên vết thương bị động vật độc cắn. Tuy nhiên, BS Nguyễn Minh Tiến cho rằng điều này hoàn toàn không nên! “Ngoài xanh methylen, có thể dùng 2 loại dầu là mù u và khuynh diệp vì chúng có tính sát khuẩn… Tuyệt đối không dùng dầu nóng vì nó chỉ làm vết thương thêm trầm trọng, dễ sưng, viêm và khó chịu hơn” - ông khuyến cáo.


Theo ANH THƯ/Người lao động