Phát triển chăn nuôi bò sữa: Vẫn khó chuyện đầu ra

Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 26/08/2015

(HNM) - Hiện nay, đàn bò sữa trên địa bàn thành phố phát triển mạnh cả về số lượng, năng suất, sản lượng sữa. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ chăn nuôi bò sữa.


Tuy nhiên, người chăn nuôi bò sữa đang đứng ngồi không yên vì giá sữa bột thế giới và trong nước giảm mạnh, khiến giá sữa tươi giảm theo, ảnh hưởng đến thu nhập. Trong khi đó, các trạm thu gom sữa không có kinh phí để đầu tư trang thiết bị bảo quản sản phẩm nên mua với số lượng ít. Thực tế này không những ảnh hưởng tới chất lượng sữa mà còn hạn chế việc mở rộng quy mô sản xuất của nông dân.

Phập phù đầu ra

Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện tổng đàn bò sữa của thành phố là 15.288 con/3.314 hộ, sản lượng đạt 111 tấn/ngày. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi vẫn nhỏ lẻ, từ đó ảnh hưởng tới quá trình thu gom sữa, hạn chế việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bình quân số đầu con trong mỗi hộ chăn nuôi còn thấp, chỉ đạt 4,6 con/hộ, trong đó, hộ nuôi từ 1 đến 5 con chiếm 70,6%, hộ nuôi từ 6 đến 10 con chiếm 27,3% và hộ nuôi từ 10 con trở lên chỉ chiếm 2,1%. Nhìn chung, chăn nuôi bò sữa phát triển không theo quy hoạch, ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, thu gom và tiêu thụ.

Người chăn nuôi bò sữa đang gặp khó khăn do biến động giá sữa bột.Ảnh: Thái Hiền


Thời gian qua, giá thức ăn liên tục tăng cao, trong khi giá giống, giá sữa giảm đã tác động tiêu cực đến hiệu quả chăn nuôi bò sữa của các hộ dân. Trên địa bàn thành phố hiện có 45 trạm thu gom sữa tươi của 6 công ty, nhưng việc thực hiện hợp đồng của các công ty thu mua sữa với người chăn nuôi chưa nghiêm túc, dẫn tới tình trạng nông dân tự bán sữa ra ngoài khi nhu cầu sữa ở thị trường tăng cao vào mùa hè. Vào mùa đông, khi nhu cầu thị trường giảm, sản lượng sữa sản xuất ra hằng ngày tăng đột biến, ảnh hưởng lớn đến việc thu gom và kế hoạch sản xuất sữa của các doanh nghiệp.

Ông Dương Văn Hùng (huyện Quốc Oai) cho biết, mặc dù chăn nuôi bò sữa bước đầu đã có thu nhập, nhưng các hộ dân đều gặp khó trong khâu tiêu thụ vì phụ thuộc vào việc thu mua sản phẩm. Đặc biệt, vào mùa đông sản lượng sữa tăng gấp 3 lần nhưng các công ty chỉ mua tăng thêm một phần, số sữa còn lại các hộ dân phải tự tìm đầu ra với giá rất rẻ. Ông Vũ Quyết Thắng, Trạm thu gom sữa Gia Lâm cho biết, xây dựng trạm thu gom sữa đạt quy chuẩn với công nghệ bảo quản sữa hiện đại không đơn giản. Để có đầy đủ trang thiết bị cho một trạm thu gom phải mất tới 2 tỷ đồng nên không phải trạm nào cũng có đủ kinh phí để đầu tư. Vì vậy, các trạm chỉ dám mua của nông dân với số lượng nhất định và bán ngay trong ngày.

Bảo đảm lợi ích cho người chăn nuôi 

Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, để đàn bò sữa trên địa bàn thành phố phát triển ổn định, mang lại thu nhập cao cho người dân, thời gian tới các hộ dân cần ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, như: Sử dụng tinh bò chất lượng cao, tinh phân ly giới tính để cải tạo giống; sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn (từ 10 con/hộ) để từng bước cải tạo chất lượng đàn bò sữa. Bên cạnh đó, hạn chế tối đa việc phát triển chăn nuôi bò sữa tự phát, nhỏ lẻ trong khu dân cư, tập trung phát triển trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư và nâng cao chất lượng đàn bò sữa hiện có.

Hoạt động của các chi hội, hợp tác xã, ban chỉ đạo phát triển chăn nuôi tại các xã chăn nuôi bò sữa cần được tăng cường để gắn kết người chăn nuôi nhằm tạo mối liên kết, giảm giá thành các dịch vụ đầu vào, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp liên kết chuỗi tiêu thụ sữa, gắn kết từ người chăn nuôi, trạm thu gom đến nhà máy chế biến sữa để bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu thụ sữa ổn định cho người chăn nuôi. Khi thực hiện tốt những công việc đó sẽ giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng thì cho rằng, cần tăng cường hệ thống trang thiết bị tại các điểm thu gom nhằm đánh giá nhanh và chính xác chất lượng sữa của người chăn nuôi, hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh trong quá trình thu gom làm ảnh hưởng tới giá thu gom sữa của các hộ. Các công ty thu mua sữa cần ký hợp đồng và có các chính sách phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với quy hoạch của thành phố.

Bên cạnh đó là đầu tư, hỗ trợ và ký hợp đồng thu mua sữa dài hạn cho các trạm thu mua sữa để các trạm yên tâm đầu tư phát triển; bảo đảm việc thanh toán tiền mua sữa nhanh, gọn và thu mua hết lượng sữa sản xuất ra cho các hộ chăn nuôi. Sở Công thương Hà Nội cần kiểm tra chặt chẽ việc nhập khẩu sữa bột của các công ty trên thị trường; kiểm tra việc đăng ký, sản xuất kinh doanh của các công ty sản xuất, kinh doanh sữa, đặc biệt là các sản phẩm sữa bán ra thị trường có nhãn mác là sữa tươi 100% để bảo đảm quyền lợi cho các công ty kinh doanh sữa tươi cũng như nông dân.

Ngọc Quỳnh