Mùa Vu lan, báo hiếu thế nào cho thiết thực

Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 26/08/2015

(HNM) - Đến các ngôi chùa lớn vào nửa đầu tháng Bảy âm lịch năm nay, chúng ta đều được tham dự những khóa lễ trang trọng và thiêng liêng, ấy là Đại lễ Vu lan báo hiếu và lễ siêu độ vong linh.


Qua câu chuyện Mục Kiều Liên cứu mẹ, qua hình tượng bông hồng cài lên áo, ai cũng hiểu được ý nghĩa sâu xa của dịp lễ này là những ai còn cha mẹ thì hãy hiếu kính với đấng sinh thành bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm của người con, đừng nên có những hành động, việc làm, lời ăn tiếng nói làm cha mẹ phải phiền lòng, cha mẹ phải khóc. Những khóa lễ Vu lan diễn ra ở chùa trong năm nay hoặc những năm trước, khóa nào cũng thu hút hàng trăm, hàng nghìn người ở mọi lứa tuổi tham dự. Ở nhà, những người con dù bận trăm công nghìn việc vẫn cố gắng dành thời gian chăm sóc cha mẹ bằng những việc làm giản dị. Nhưng, rất tiếc rằng, bên cạnh những hình ảnh, những việc làm thiêng liêng đó, một số người làm con, trong đó có nhiều bạn trẻ đã vì những ham muốn không chính đáng, thậm chí sai trái, sẵn sàng ép cha mẹ làm theo ý mình. Cá biệt vẫn còn những trường hợp dùng vũ lực với cha mẹ. Những vụ án, những câu chuyện pháp luật, xã hội mà chúng ta đọc được qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội hằng ngày chưa bao giờ hết nhức nhối.

Lên chùa dự lễ siêu độ vong linh hay sắp lễ cúng tại nhà trong những ngày tháng Bảy âm lịch còn mang ý nghĩa khác là cầu mong cho các vong hồn sớm được siêu thoát mà dân gian thường gọi là "xá tội vong nhân". Việc làm này xuất phát từ truyền thống nhân ái của người Việt, đáng được trân trọng, giữ gìn. Nhưng, điều đáng nói hiện nay là người dân vẫn có quan niệm "trần sao âm vậy" nên mua quá nhiều vàng mã, từ nhà lầu, xe hơi... cho đến iPhone, tiền vàng…, để gửi cho người cõi âm, gây lãng phí, tốn kém. Các vị cao tăng đã lên tiếng giải thích về tục tập truyền đời này, khẳng định giáo lý nhà Phật không có quy định này cùng lời khuyên hạn chế đốt vàng mã. Một số đền, chùa, phủ treo bảng nội quy yêu cầu không mang vào chùa, không đốt vàng mã trong chùa nhưng một số người vẫn biến tiền trăm, thậm chí tiền triệu thành đống tro tàn dịp rằm tháng Bảy.

Ý nghĩa của ngày rằm tháng Bảy hẳn ai cũng đã biết. Đốt vàng mã, đã là một tập tục, thì thật khó bỏ. Muốn thay đổi việc này phải bắt đầu từ nhận thức và có sự chung tay của cộng đồng. Cần có giải pháp cụ thể, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện, bắt đầu từ việc làm thiết thực như một số vị sư trụ trì đã gợi ý: Hãy dùng tiền đó giúp đỡ người thân xung quanh mình, chăm sóc cha mẹ mình hay dành cho những mảnh đời bất hạnh.

Hà Hiền