Họp bàn mức tăng lương tối thiểu: Bảo lưu đề xuất tăng 17%

Kinh tế - Ngày đăng : 08:28, 25/08/2015

(HNMO) - Sáng nay (25/8), tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia có phiên họp lần thứ 2 bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016. Tổng LĐLĐ Việt Nam giữ đề xuất tăng 350.000-550.000 đồng, tương đương khoảng 17%.

Cuộc họp này diễn ra sau khi bộ phận kỹ thuật của Hội đồng lương quốc gia có những phân tích cụ thể về tình hình kinh tế - xã hội, sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm đại diện VCCI, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH.

Phiên họp bàn mức tăng tiền lương luôn diễn ra căng thẳng và tranh cãi gay gắt vì liên quan đến lợi ích của mỗi bên, và mỗi bên đều đưa ra những lý do được cho là hợp lý với phương án tăng mà mình đề xuất.

Tại cuộc họp diễn ra ngày 5/8 vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam-đại diện cho người lao động- đề xuất tăng lương tối thiểu từ 350.000-550.000 đồng (tương ứng với vùng 4 và vùng 1), tương ứng với mức tăng khoảng 17% so với năm 2015 với lý do năm nay, kinh tế khá hơn, tăng trưởng chung của nền kinh tế khá hơn năm 2015, nên mức tăng ít nhất phải bằng hoặc nhỉnh hơn so với mức tăng của năm 2015 mới hợp lý.

Phiên họp sáng 25/8 (ảnh: VOV)


Trong khi đó, phía đại diện cho giới chủ là VCCI chỉ đề xuất tăng ở mức 7%, tức là tăng từ 150-200.000 đồng; sau đó nâng lên mức khoảng 11%, tức là tăng khoảng 250.000-300.000 đồng. VCCI cho rằng, doanh nghiệp đang có rất nhiều áp lực trong bối cảnh cạnh tranh, tăng các chi phí đầu vào. Tăng mức như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ tăng lên khá nhiều.

Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đưa ra 3 phương án điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 12,4%, 11,4% và 10,7%.

Cuộc họp không đi đến thống nhất mức tăng lương tối thiểu bởi mức đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI quá chênh lệch.

Trước khi bước vào cuộc họp sáng nay, trao đổi với báo chí, ông Mai Đức Chính-Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra trong cuộc họp sáng nay vẫn là giữ đề xuất mức tăng 17%, tất nhiên là còn thương lượng. Phương án cuối cùng có thể là ở trên mức 450.000 đồng, tức là 14,65%, không thấp hơn tỷ lệ phần trăm của năm trước.

Liên đoàn vẫn giữ nguyên mức đề xuất 17% bởi cuộc sống người lao động hết sức khó khăn. Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, khoảng 92% người lao động với mức lương doanh nghiệp trả từ 4,5- 5 triệu đồng/tháng, đang sống rất chắt bóp, chỉ 8% có dư.

Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra đề xuất trên là cần phải thực hiện theo đúng Điều 91 của Bộ luật Lao động. Lẽ ra, điều này phải được áp dụng ngay từ khi Luật có hiệu lực ngày 1/1/2013. Tuy nhiên, nếu áp dụng ngay doanh nghiệp sẽ khó khăn nên Tổng LĐLĐ đồng ý cần theo lộ trình nhưng lộ trình đó không phải là lâu dài mà phải có thời điểm nhất định.

Bộ LĐ-TB-XH đã thống nhất với Tổng LĐLĐ Việt Nam, lộ trình đó sẽ kết thúc vào năm 2017. Hiện nay, mức lương tối thiểu đạt khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu.

“Như vậy, hai năm còn lại, chúng ta phải đảm bảo từ 25-26%, tức mỗi năm phải tăng từ 12-13%, cộng thêm CPI khoảng 5%. Vì thế, năm nay khoảng 17% mới được cho là hợp lý”, ông Mai Đức Chính nói.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, khi lương tối thiểu tăng, doanh nghiệp chỉ lấy mức này đóng BHXH cho người lao động, khi chúng ta tăng lương tối thiểu tức là tăng 22% tiền đóng BHXH, BHYT cho người lao động, tiền tăng đó không nhiều và còn thấp hơn. “Nếu chúng ta không thực hiện thì đến ngày 1/12018 theo điều 89 Luật BHXH, tiền lương cũng phải bằng tiền thu nhập: tiền lương, phụ cấp và các khoản khác”, ông Mai Đức Chính nói tiếp.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, điều chỉnh từng bước để tiếp cận đến 1/1/2018 khi chúng ta thực hiện tiền lương gần như thu nhập thì doanh nghiệp đỡ bị “sốc”. Nếu cứ điều chỉnh chậm chạp thì đến năm 2018 khoảng cách sẽ rất lớn, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều sức ép.

T.Hương