Xã hội hóa công tác thi hành án dân sự: Đó là xu thế, không phải trào lưu

Đời sống - Ngày đăng : 06:38, 25/08/2015

(HNM) - Sau khi có Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự với quy định về việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL), đã có nhiều văn phòng TPL được thành lập.

Dẫu vậy, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 24-8, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL TP Hà Nội khẳng định, khởi đầu vẫn khá sáng sủa.

Bà Hồ Xuân Hương.


- Theo nhận định của nhiều độc giả Hànộimới, sự ra đời của TPL tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi yêu cầu thi hành án, trong thực hiện các giao dịch dân sự. Bà có đồng tình với nhận xét này?

- Đúng, Hà Nội là nơi có mức phát triển kinh tế và thu nhập trên đầu người cao thứ hai cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Với điều kiện kinh tế và mặt bằng dân trí cao nên người dân sẵn sàng chấp nhận và sử dụng các loại hình dịch vụ pháp lý, kể cả trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Mặc dù mới thí điểm khoảng 16 tháng, nhưng kết quả hoạt động của 8 văn phòng TPL trên địa bàn Hà Nội từ tháng 2-2014 đến đầu tháng 7-2015 có những bước tiến rõ rệt. Điển hình, đã thực hiện tống đạt 34.695 văn bản cho tòa án, cơ quan thi hành án. Người dân và các tổ chức đơn vị cũng đã tin tưởng yêu cầu TPL lập 1.711 vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. TPL cũng đã ký hợp đồng thi hành án một số vụ việc.

- Một trong những chức năng của văn phòng TPL là thực hiện việc thi hành án dân sự. Nhưng cũng có người lo ngại, cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước còn khó thi hành án. Văn phòng TPL là mô hình doanh nghiệp, liệu hoạt động thi hành án dân sự có hiệu quả?

- Khởi đầu cũng có không ít gian nan. Tôi được biết, hiện nay ở không ít địa phương, hoạt động của TPL chưa đều tay. Số đơn vị tạo được dấu ấn trong thi hành án rất ít. Với Hà Nội, thời gian qua, các văn phòng TPL đã ký hợp đồng thi hành án 15 vụ việc và đã thi hành xong nhanh gọn 3 vụ việc với giá trị thi hành là gần 9,2 tỷ đồng, chi phí thu được là hơn 373 triệu đồng. Rất mừng là đa số được các đương sự tự nguyện thi hành, không phải cưỡng chế. Nhưng so với mục tiêu đề ra, con số đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Trong thời gian tới, khi văn phòng TPL được bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ; tổ chức, người dân hiểu, biết và quen dần với dịch vụ pháp lý của TPL; các văn bản pháp luật về TPL được bổ sung, hoàn thiện thì hoạt động thi hành án dân sự chắc chắn sẽ thu được kết quả cao.

- Khảo sát của Hànộimới cho thấy, chính khái niệm TPL hơi khó hiểu, nên một bộ phận người dân có tâm lý e ngại hợp tác với TPL, thưa bà?

- Chế định TPL đã từng tồn tại ở Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc từ trước năm 1954. Sau đó, ở miền Nam thì còn tồn tại đến tận năm 1975. Cho nên, nó hơi xa lạ với thế hệ sau thôi. Quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TPL cho thấy, một bộ phận người dân Thủ đô, CBCC cấp xã vẫn chưa quen, còn tâm lý chưa thật tin tưởng đối với một số việc do TPL thực hiện. Tiếp nữa, các quy định của pháp luật về TPL hiện nay còn thiếu. Việc áp dụng pháp luật về TPL dẫn đến mâu thuẫn với một số văn bản pháp luật khác có liên quan cũng làm hạn chế hiệu lực hoạt động của TPL. Chưa kể, do thời gian thực hiện thí điểm ngắn, các văn phòng TPL đang trong quá trình củng cố và hoàn thiện khiến người dân chưa đặt niềm tin trọn vẹn.

- UBND TP Hà Nội đã có những hỗ trợ trọng tâm nào cho các văn phòng TPL giai đoạn đầu còn khó khăn, bỡ ngỡ?

- Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo thuận lợi trong triển khai hoạt động của các văn phòng TPL; tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, không được phân biệt công - tư, đặc biệt là trong công tác thi hành án dân sự.

Về phía Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp, tạo điều kiện cho hoạt động của các văn phòng TPL; tổ chức họp với quy chế mở: cả thường kỳ và đột xuất ngay khi cần để kịp thời bàn bạc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giúp các văn phòng TPL hoạt động đúng pháp luật, hiệu quả. Song song đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về TPL được đẩy mạnh tới tận tổ dân phố. Nhưng như tôi đã phân tích, do vẫn còn những nút thắt về cơ chế nên có một vài khó khăn chưa được giải quyết triệt để.

- Theo bà, đâu là nguyên nhân chính của những hạn chế, nên lấp những lỗ hổng này như thế nào?

- Quá trình thí điểm TPL, chúng tôi thấy rõ được sự đón nhận của người dân đối với dịch vụ pháp lý do TPL đem lại. Nhưng cũng cảm nhận tên gọi TPL là từ gốc Hán - Việt rất khó hiểu, dẫn đến việc tổ chức, cá nhân và cả cơ quan nhà nước chưa hiểu hết về TPL. Đề nghị Quốc hội, các cơ quan chức năng nghiên cứu thay một tên thuần Việt hơn.

Thực tiễn cũng cho thấy, toàn thành phố chỉ có 8 văn phòng, trong khi đó số lượng văn bản tống đạt lớn, địa bàn tống đạt rộng (30 quận, huyện, thị xã), nhiều huyện xa trung tâm thành phố, chi phí tống đạt còn thấp, trình tự, thủ tục tống đạt chặt chẽ, trách nhiệm đòi hỏi cao nên một số văn phòng TPL còn chần chừ, thiếu cố gắng trong việc ký hợp đồng tống đạt, triển khai tống đạt dẫn đến kết quả còn hạn chế.

Với quy định hiện hành, các TPL có chức năng triển khai một số công việc đang do cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước thực hiện (xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án); được chuyển giao tống đạt các văn bản của cơ quan tòa án và thi hành án. Nhưng trong khi các cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước có lực lượng cán bộ đông đảo, chuyên nghiệp, nhiệm vụ, quyền hạn quy định cụ thể trong các bộ luật, luật thì tổ chức và hoạt động của TPL được điều chỉnh bằng những văn bản dưới luật. Điều này thực sự là trở ngại khi triển khai các công việc của TPL. Do đó, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL TP Hà Nội đề nghị Quốc hội luật hóa chế định TPL, cho áp dụng chính thức mô hình này để chế định TPL đi vào cuộc sống, đáp ứng mục tiêu giảm tải hơn nữa công việc cho tòa án và cơ quan thi hành án trong cả nước. Trong tương lai, việc xã hội hóa công tác thi hành án dân sự cần theo lộ trình tự chủ một phần, tự chủ toàn bộ, tiến tới chuyển đổi dần lực lượng thi hành án dân sự hiện nay sang làm TPL nhằm giảm tải về tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan nhà nước; chỉ giữ lại tổ chức, bộ máy và một phần lực lượng thi hành án dân sự cấp trung ương và tỉnh để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động TPL.

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi.

Hà Phong