Tập trung sức lực, trí tuệ, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện, sâu sắc trong tổ chức và hoạt động Tư pháp (*)

Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 25/08/2015

Báo Hànộimới trân trọng đăng phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất diễn ra ngày 24-8.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VOV


Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi thân ái gửi các vị đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí và qua các đồng chí đến toàn thể anh chị em cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp cả nước qua các thời kỳ lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tư pháp nước ta đã không ngừng lớn mạnh và phát triển về nhiều mặt; luôn nỗ lực, bền bỉ phấn đấu và góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, củng cố, hoàn thiện những nền tảng chính trị - pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ buổi đầu được khai sinh cùng Chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ cho đến những tháng năm gian lao của hai cuộc kháng chiến trường kỳ và đặc biệt là hơn 40 năm tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong từng giai đoạn cụ thể, do điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Tư pháp đã có những thay đổi về tổ chức, thu hẹp hoặc mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng vẫn luôn đồng hành cùng cả nước trên những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.

Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, ngành Tư pháp đã cống hiến nhiều công sức và trí tuệ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc; sử dụng pháp luật như một công cụ hữu hiệu trong đấu tranh phòng chống tội phạm ở trong nước, cũng như đấu tranh pháp lý trên mặt trận ngoại giao, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, giành lại và giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình, thống nhất đất nước. Các thế hệ thẩm phán, công tố viên, luật sư, thừa phát lại, cán bộ Tư pháp đã tận tụy cống hiến; nhiều người đã anh dũng hy sinh, được suy tôn là “Chiến sĩ trên mặt trận Tư pháp”.

Bước vào thời kỳ Đổi mới, trước yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, ngành Tư pháp đã không ngừng đổi mới tư duy pháp lý, tích cực tham mưu giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cơ chế tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Trong những năm gần đây, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho là thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật, quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật, thi hành án..., ngành Tư pháp đã có những đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Có thể khái quát những thành tích nổi bật của ngành Tư pháp như sau:

Một là, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và thực tiễn, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền công dân, quyền con người, ngành Tư pháp đã năng động, kịp thời phát hiện và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều chính sách pháp lý quan trọng, xây dựng các thiết chế pháp luật và giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn. Trong gần một thập kỷ qua, cùng các bộ, ngành, tổ chức hữu quan, ngành Tư pháp đã làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng và Nhà nước để hình thành và triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020 theo Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị khóa IX; từng bước đổi mới cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật mà trọng tâm là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền con người, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, ngành Tư pháp đã tập trung làm tốt vai trò đầu mối giúp cả hệ thống chính trị tổng kết, xây dựng và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 bước đầu đạt kết quả tích cực.

Hai là, coi trọng việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật, từ đó đề xuất những chính sách, giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế và các thiết chế thi hành pháp luật, đóng góp xứng đáng vào việc tạo dựng nền tảng ban đầu về tổ chức và hoạt động của các cơ quan chính quyền nhân dân nói chung, các cơ quan tòa án, kiểm sát, thi hành án, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp nói riêng. Triển khai các chiến lược về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính, ngành Tư pháp đã cơ bản hoàn thành việc luật hóa các lĩnh vực quản lý của ngành, trong đó đáng chú ý là các đạo luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân. Ngành cũng đã làm tốt việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển hệ thống các tổ chức cung ứng dịch vụ pháp lý, hình thành mối quan hệ cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và nhân dân trong việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng và ngày càng tăng về hỗ trợ và bảo đảm an toàn pháp lý của cá nhân, tổ chức. Gần đây, với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế về đầu tư, thương mại, Bộ Tư pháp cũng đã bước đầu bảo vệ thành công một số vụ kiện; đây là dấu hiệu rất đáng khích lệ trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia về mặt pháp lý khi đất nước tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp cho đất nước. Từ một số ít luật gia, luật sư được đào tạo dưới chế độ cũ tham gia vào công cuộc kiến thiết đất nước và xây dựng xã hội dân chủ mới, nhờ sự nỗ lực bền bỉ, liên tục của ngành Tư pháp, sự hợp tác của các bộ, ngành hữu quan và chính quyền các địa phương, đến nay chúng ta đã có một đội ngũ hàng chục vạn cán bộ pháp luật, pháp chế và chức danh tư pháp được đào tạo với trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp ngày càng cao, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của xã hội và công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp.

Ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho ngành Tư pháp Huân chương Hồ Chí Minh năm 1995; Huân chương Sao vàng năm 2010 và năm nay là Huân chương Độc lập hạng Nhất. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những đóng góp to lớn của ngành Tư pháp Việt Nam trong suốt 70 năm qua.

Trong bối cảnh hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới và khu vực bên cạnh mặt thuận lợi, tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Thế giới phải đối mặt với những vấn đề mang tính toàn cầu như khủng bố quốc tế, xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ; những vấn đề an ninh phi truyền thống như tự diễn biến, tự chuyển hóa, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, thiên tai, dịch bệnh... đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang ngày càng đi vào chiều sâu.

Đối với ngành Tư pháp, bên cạnh những thành tích đạt được trong 70 năm qua, cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, yếu kém, cần phải được kịp thời rút kinh nghiệm và có giải pháp tích cực khắc phục. Một trong những bài học kinh nghiệm chung của các ngành, các cấp, của mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có ngành Tư pháp, đó là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, tận tuỵ với công việc mà Đảng, Nhà nước giao phó, góp phần giữ vững và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Người làm công tác tư pháp “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”; “phải nêu cao gương Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo”.

Các đồng chí đã xác định phương hướng, nhiệm vụ cần thực hiện trong giai đoạn phát triển mới; tôi nhấn mạnh thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, trong bất luận hoàn cảnh nào, phải kiên định lập trường tư tưởng, luôn giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng ta trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống luật pháp của nước ta.

Như các đồng chí đã biết, Hiến pháp năm 2013 đã đề cao việc phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này mở ra cho chúng ta nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.

Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một nhà nước thực sự kiến tạo khuôn khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm để mỗi người dân chủ động, tích cực sử dụng, thực hiện đúng đắn và an toàn các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong làm ăn, sinh sống, đóng góp mọi sức người, sức của, năng lực và trí tuệ xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Nhưng phải luôn nhớ là Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho Nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phải phù hợp với những giá trị tốt đẹp của truyền thống Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, rất hệ trọng. Hơn ai hết, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc vấn đề này, làm tốt hơn nữa việc nghiên cứu, làm rõ và từng bước bổ sung, đổi mới cả về lý luận và thực tiễn hoàn thiện thể chế theo phương châm học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, nhưng phải biết sàng lọc, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tuyệt đối không được mơ hồ, mất cảnh giác để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống luật pháp của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Thứ hai, tập trung sức lực, trí tuệ, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện, sâu sắc về chất lượng, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp, của ngành Tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của cách mạng trong giai đoạn mới. Cụ thể là:

- Đối với công tác xây dựng pháp luật, trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị và triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội, tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng sắp tới, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tham gia xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và tổ chức thực hiện cho tốt để đến năm 2020, về cơ bản nước ta có hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.

- Cùng với việc làm tốt công tác xây dựng pháp luật, việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự, kỷ luật, kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay. Đảng, Nhà nước đã có chủ trương cùng với việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, phải hết sức coi trọng việc tổ chức thi hành pháp luật. Muốn thế, phải nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, coi đây là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức có ý thức chấp hành đúng pháp luật. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa ý thức gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; khắc phục tình trạng “phép vua thua lệ làng”, thói quen tùy tiện, bệnh quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân khi giải quyết công việc.

- Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp; nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính; đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, qua đó góp phần đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đây là những lĩnh vực quan trọng, chúng ta đã rất cố gắng, nhưng thực hiện chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tới đây, trên cơ sở tổng kết công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, ngành Tư pháp cần đi sâu nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất việc bổ sung, phát triển Nghị quyết này, nhất là những vấn đề liên quan đến việc kế thừa, phát triển, chọn lọc các nghề tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá viên, quản tài viên, thừa phát lại, giám định tư pháp, bảo đảm sự gắn kết giữa quản lý nhà nước với tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong các lĩnh vực này.

Thứ ba, tăng cường chỉ đạo, thúc đẩy việc kiện toàn hệ thống các tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan tư pháp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác tư pháp. Vấn đề quan trọng là làm sao để có được đội ngũ cán bộ tư pháp vững vàng về chính trị, tư tưởng; trong sạch về phẩm chất đạo đức; tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là những người thường xuyên trực tiếp làm việc với nhân dân, với doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ tư pháp tuy đã có bước trưởng thành, đa số đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng phải thừa nhận là trong điều kiện hội nhập, mở rộng giao lưu quốc tế hiện nay thì đội ngũ của chúng ta còn bất cập. Cần có thêm những chính sách đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo các nguyên tắc đã được Hiến pháp năm 2013 khẳng định. Để làm được điều này, cần chú trọng tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đặc biệt, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ, toàn diện hơn với Tòa án nhân dân Tối cao, từ việc đào tạo nguồn thẩm phán đến việc tuyển chọn thẩm phán; chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam đào tạo đội ngũ luật gia, luật sư giỏi, am hiểu pháp luật quốc tế, thành thạo ngoại ngữ, có thể hoạt động trên trường quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và công dân Việt Nam. Đây là một yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi ngành Tư pháp phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa.

Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống 70 năm phấn đấu, phát triển và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất trí của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, công tác tư pháp của nước nhà trong thời gian tới nhất định sẽ có bước phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nhân đây, tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương, tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp, coi công tác tư pháp là công việc chung, cùng ngành Tư pháp hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và sự kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

___________
(*) Đầu đề do Hànộimới đặt. 

HNM