Bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc
Chính trị - Ngày đăng : 06:27, 25/08/2015
Các đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội, các bộ, ban, ngành TƯ, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các nhà khoa học... đã tới dự. Hơn 70 tham luận với tinh thần khách quan, khoa học, chú trọng cách tiếp cận hiện đại, có hệ thống, bổ sung từ nhiều nguồn tư liệu giá trị đã được gửi tới hội thảo.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Phương pháp mới để nhận diện tầm vóc sự kiện
Hội thảo ghi nhận các tham luận khoa học với một công trình khá đồ sộ với gần 600 trang cho thấy sự tham gia và chuẩn bị công phu đối với sự kiện quan trọng này. Một vấn đề luôn đặt ra đối với nhân dân và giới nghiên cứu là có những góc tiếp cận mới nào để nhìn nhận một cách sâu sắc hơn tính chất vĩ đại, khả năng vận dụng những bài học của Cách mạng Tháng Tám (CMTT) vào sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay? Trao đổi với Báo Hànộimới, TS sử học Ngô Vương Anh cho rằng: Những năm gần đây, nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và các nghiên cứu về CMTT đã có những bước tiếp cận đa chiều hơn qua góc nhìn phong phú từ nhiều tầng lớp nhân dân, nhà khoa học với nhiều chủ đề mới; nguồn tài liệu được khai thác phong phú từ các kho lưu trữ trong và ngoài nước. Tại hội thảo nói trên, đã thấy xuất hiện những tham luận khai thác theo những hướng này, như vai trò cách mạng với nâng cao dân trí, giáo dục, hoạt động báo chí; có những phân tích so sánh về CMTT ở Việt Nam và Cách mạng Giải phóng dân tộc ở Lào...
Có thể nói, bằng nhiều góc nhìn khác nhau, các tham luận tập trung làm nổi bật tinh thần chung không thể phủ nhận "CMTT đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người chủ nước nhà; đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành một nước độc lập và dân chủ; góp phần vào cuộc đấu tranh đánh bại chủ nghĩa phát xít và có ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và thực dân trên thế giới".
Nói riêng về vấn đề "chọn thời cơ", tại cuộc hội thảo đã có nhiều tham luận phân tích một cách khoa học về vấn đề này. Như trong bài "Bàn về yếu tố thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám" (Ths Nguyễn Trọng Minh); "Sự chủ động của Đảng - một nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945" (Ths Phạm Hồng Kiên) hay từ một góc nhìn cụ thể như "Xây dựng ATK I - Một sáng tạo độc đáo mang tầm chiến lược của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám", trong đó chỉ rõ "ATK là một loại hình căn cứ cách mạng mới chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc và lịch sử cách mạng thế giới"...
Từ ví dụ trên, cũng thấy còn có nhiều hơn những tham luận đã làm nổi bật, khẳng định toàn diện vai trò to lớn của CMTT đối với dân tộc ta và với nhân loại tiến bộ bằng những luận giải thuyết phục.
Giải quyết những thách thức vì sự phồn vinh của dân tộc
Rất nhiều tham luận tại hội thảo đã tập trung làm rõ các bài học của CMTT đối với sự phát triển của đất nước ta 70 năm qua, đặc biệt là 30 năm đổi mới. Đây là phần được cho là khá mới so với các hội thảo khoa học trước. Các ý kiến xuất phát từ nhiều góc nhìn, như từ một nhân vật lịch sử, từ thực tế vận động phát triển của các địa phương, khu vực trên cả nước, từ các lĩnh vực xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh, hợp tác quốc tế, đoàn kết các dân tộc... Tất cả đều cho thấy cần phải phát huy nhiều bài học giá trị từ CMTT để giải quyết các thách thức với đất nước hôm nay, hướng tới mục đích lớn nhất là cuộc sống no ấm, bình đẳng cho nhân dân và sự phồn vinh cho đất nước.
Minh chứng cho những nhận định, đề xuất này là những phân tích cụ thể thông qua các chỉ số, các thước đo như bài viết của Ths Lê Thị Thu Hằng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về phát huy vai trò khối đại đoàn kết dân tộc. Bài viết của TS Nguyễn Văn Phong (Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội), của TS Nguyễn Đình Dương, TS Hoa Hữu Lân (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) về những bài học Hà Nội áp dụng sáng tạo từ CMTT trong xây dựng Thủ đô...
Có thể nói xuyên suốt các ý kiến tham luận là một thông điệp mạnh mẽ về tinh thần nhân văn của CMTT: Tinh thần của một cuộc cách mạng giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột tiến tới giải phóng con người một cách triệt để, toàn diện. Còn minh chứng nào đẹp hơn, sống động hơn khi mỗi người dân đất nước hôm nay được sống trong hòa bình, no ấm, được học hành, được phát huy đóng góp cho đất nước và nhân loại. Thiết nghĩ, những mục tiêu cụ thể ấy đã tạo nên động lực của cuộc cách mạng "vĩ đại, độc đáo trong lịch sử thế giới" (lời nhà nghiên cứu Mỹ Lady Borton) và chắc chắn sẽ được tiếp tục hiện thực hóa trên đất nước Việt Nam hôm nay!
Đồng chí Đinh Thế Huynh, UV Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ: Hội thảo khoa học kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9 được tổ chức trong bối cảnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang được triển khai mạnh mẽ và đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Có thể khẳng định rằng, tất cả những thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt 70 năm qua, nhất là trong gần 30 năm đổi mới, đều bắt nguồn từ những nền tảng đầu tiên là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tình hình thế giới hiện nay đang có những biến chuyển sâu sắc, khó đoán định. Đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức đan xen, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, các giá trị lịch sử và tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Hội thảo khoa học này là dịp để chúng ta ôn lại một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta và quan trọng hơn là dịp để chúng ta tập trung đi sâu nghiên cứu, thảo luận để nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; qua đó rút ra những bài học quý báu để đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội: Giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ thể hiện ở những kết quả mà cuộc cách mạng này mang lại mà còn ở ngay trong những yếu tố đưa đến sự thành công của sự kiện. Trước hết là tư tưởng và ý chí độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sau đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong suốt 70 năm xây dựng, kế thừa và phát huy truyền thống Cách mạng Tháng Tám hào hùng, Hà Nội luôn phấn đấu để khẳng định vai trò, trách nhiệm "là trái tim của cả nước"; "Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục - kinh tế và giao dịch quốc tế; một động lực phát triển của Đồng bằng sông Hồng và cả nước", xứng đáng với danh hiệu cao quý "Thủ đô Anh hùng". PGS.TS Vũ Quang Hiển (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội): Có thể nói nếu trước đây hướng tiếp cận lịch sử của ta nặng tính chính trị hơn thì nay đã chú trọng đặt trong những mối tương quan của bối cảnh quốc tế, với nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó lý giải sâu sắc hơn các vấn đề cụ thể của dân tộc. Nghiên cứu lịch sử cũng không chỉ đứng trên bình diện chúng ta tự nhìn nhận chúng ta với nhau mà đã có sự chủ động đặt ta ở vị trí như một công dân toàn cầu để xem xét sự vận động có phù hợp với bối cảnh quốc tế, với xu thế phát triển của nhân loại không? Cách tiếp cận mới cũng không chỉ chú ý đến vấn đề dân tộc, chính trị mà còn chú ý đến văn hóa, giáo dục, ngoại giao... và các lĩnh vực khác. Tôi cho rằng, hội thảo 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đã có sự tiếp cận mạnh dạn, không né tránh, đi vào luận giải một số vấn đề trước đây mới chỉ đề cập. Nói đến Cách mạng Tháng Tám không chỉ nói đến những kết quả mà phải nói đến quá trình tổ chức, thực hiện của cuộc cách mạng. Trong đó có nhiều bài học tư tưởng còn nguyên giá trị cần được tiếp tục phát huy. Trong đó có vấn đề thời cơ và thách thức. Cách mạng Tháng Tám đã cho thấy, đành rằng thời cơ có yếu tố khách quan nhưng để biến nó thành thuận lợi thì phải chớp lấy thời cơ, đồng thời có giải pháp khắc phục nguy cơ. Nay ta bước vào hội nhập mạnh mẽ, thời cơ nhiều nhưng kèm theo cũng là không ít nguy cơ. Để thành công thì việc chớp thời cơ, chủ động hạn chế nguy cơ là đặc biệt quan trọng. PGS.TS Trần Đức Cường (Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): Trong bối cảnh thế giới hiện nay, bài học "dĩ bất biến, ứng vạn biến" mà Cách mạng Tháng Tám để lại vẫn là bài học đặc biệt quan trọng cần phát huy nhằm thực hiện các mục tiêu bảo vệ, phát triển đất nước một cách mềm dẻo, hiệu quả. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia với những cơ hội hợp tác to lớn rất cần tận dụng. Nhưng bên cạnh những tiềm năng do hợp tác quốc tế mang lại chúng ta cũng phải thừa nhận những thách thức từ các thế lực thù địch nhằm chống phá, cản trở sự phát triển của đất nước ta, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của ta. Chúng ta hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế vì lợi ích dân tộc nhưng cũng không bao giờ đánh đổi độc lập tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ. "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" thực sự là bài học rất sâu sắc mà chúng ta có được từ Cách mạng Tháng Tám 1945. Hà Dươngghi |