Mở rộng đào tạo nghề ra thị trường ASEAN
Xã hội - Ngày đăng : 15:31, 24/08/2015
Cuối năm nay (2015), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ ra đời. Đón đầu xu thế này, nhiều nước trong khu vực ASEAN đã gấp rút đào tạo một lượng lao động hùng hậu, có tay nghề cao để giải quyết nhu cầu việc làm và thu nhập cho lao động. Bởi AEC ra đời, một trong những mục tiêu chính sẽ là thúc đẩy phát triển kinh tế cho từng thành viên nói riêng và cả cộng đồng ASEAN nói chung.
Sau khi AEC ra đời, ước tính sẽ có khoảng 14 triệu việc làm được tạo ra cho lao động trong khu vực tính đến năm 2025. Như vậy, sự dịch chuyển phân bố lao động giữa các nước trong khu vực cũng là xu hướng dễ dàng nhìn thấy. Bởi không phải trình độ lao động giữa các nước đều đồng đều như nhau, và tại một số nước đang có thế mạnh về đào tạo nghề trong khu vực thì sự đầu tư ngày một nhanh và mạnh hơn, Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
Trên thực tế trong một vài năm gần đây, Việt Nam là một “đất đào tạo” có tiếng về lao động nghề. Bằng chứng là tại Hội thi tay nghề ASEAN trong 10 kỳ tổ chức, Việt Nam luôn là nước đứng trong TOP 3 dẫn đầu toàn đoàn. Cuối năm 2014 vừa qua, kỳ thi này diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam lần thứ 3 dẫn đầu khu vực với 15 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc và 6 Huy chương Đồng.
Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cũng chính là Phó Chuyên gia Trưởng của đoàn Việt Nam tham dự Hội thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10 chia sẻ, theo đánh giá của cá nhân ông trong quá trình huấn luyện, thì những thí sinh của Việt Nam có tay nghề vượt hơn hẳn so với các thí sinh của các nước khác. “Một trong những điểm mạnh của các thí sinh Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao đó không chỉ là kỹ năng nghề vững vàng mà còn ở khả năng sáng tạo và thích ứng với mỗi đề thi, đó không phải là trình độ một học viên qua đào tạo nghề nào cũng có thể làm được bởi phải qua một quá trình thực hành lành nghề cộng với độ nhạy bén vốn có” – ông Quang Huy cho biết thêm.
Trong quá trình đào tạo tại trường, ông Nguyễn Quang Huy cũng khẳng định các sinh viên lựa chọn học nghề tại trường có mặt bằng khá đồng đều về trình độ, vì thế việc làm sao để tăng cường kỹ năng nghề cho sinh viên học nghề là quan trọng hơn cả. Điều đó phụ thuộc vào các yếu tố như máy móc, thiết bị để dạy học và thực hành, giáo trình dạy. Ngoài ra, để có thể hòa nhập với thị trường lao động quốc tế thì tiếng Anh cũng là một điều cực kỳ quan trọng, ông Huy nhấn mạnh.
Nhiều năm qua, Tổng cục dạy nghề cũng đã có khá nhiều dự án đầu tư vào chất lượng đào tạo nghề. Đơn cử như Dự án Tăng cường kỹ năng nghề do Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ, dự án đã đang và sẽ đầu tư vào cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy cho 15 trường dạy nghề và 15 nghề trọng điểm trên cả nước. Cũng từ đó, dự án sẽ tăng cường tổ chức các Hội chợ việc làm để cho sinh viên tại các cơ sở đào tạo tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp, mở ra cơ hội việc làm cho hàng nghìn sinh viên đang theo học tại các trường dạy nghề trọng điểm.
Ngày 27/8 tới đây, Tổng cục Dạy nghề sẽ tổ chức Hội chợ việc làm 2015 tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái. Đây là một hoạt động nằm trong dự án Tăng cường kỹ năng nghề năm 2015.