Không phải cứ rẻ là có người mua!

Bất động sản - Ngày đăng : 07:31, 24/08/2015

(HNM) - Dự án nhà ở xã hội xây dựng trên lô đất N1+N3 Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai), do Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O làm chủ đầu tư, gồm 346 căn hộ để bán, 86 căn hộ cho thuê, được mở bán đợt I từ ngày 25-5 đến 15-6. Mức giá tạm tính khoảng 9,96 triệu đồng/m2.


Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, mới có 13 hồ sơ đăng ký đủ điều kiện mua nhà và không có hồ sơ đăng ký thuê. Tất nhiên, đây mới là đợt mở bán đầu tiên, sẽ còn những đợt mở bán tiếp theo; cũng có thể chủ đầu tư chưa làm tốt việc thông tin quảng bá dự án nên chưa nhiều người biết. Nhưng có lẽ lý do chính là dự án nằm ở ngoại thành, xa trung tâm, nhu cầu nhà ở xã hội khu vực này không cao.

Có người sẽ so sánh, tại sao cũng là dự án nhà ở xã hội tại ngoại thành, nhưng Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm) được bán khá nhanh, thậm chí quy mô dự án lớn hơn nhiều, mà số hồ sơ đăng ký luôn vượt quá số lượng căn hộ? Câu trả lời là ngay tại khu vực dự án, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, vì xung quanh có nhiều cơ quan hành chính, trường đại học lớn, các khu công nghiệp… nên dù xa trung tâm dự án vẫn thu hút sự quan tâm của thị trường.

Từ hai dự án trên cho thấy, không phải bất kỳ dự án nhà ở thương mại nào khi chuyển sang nhà ở xã hội cũng thành công. Trong bối cảnh mà căn hộ cao cấp ế ẩm do không phù hợp nhu cầu của thị trường, việc chuyển đổi sang nhà ở xã hội, nhà giá rẻ là chủ trương hợp lý, nhưng việc chuyển đổi cũng phải có điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu thị trường. Nhà giá rẻ, nhưng xa nơi làm việc, đi lại không thuận tiện thì cũng khó giao dịch chẳng khác nào nhà ở giá cao.

Nói cách khác, việc chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội, việc phát triển nhà ở xã hội cũng cần căn cứ nhu cầu thị trường, không nên chuyển đổi ồ ạt, chạy theo số lượng. Thực tế, số lượng doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội không ít, nhưng số dự án thực sự triển khai lại không nhiều, có lẽ do doanh nghiệp mới đăng ký mà chưa tính đến khả năng của thị trường. Tính kỹ mới thấy, dự án ở xa, như Quốc Oai chẳng hạn, người mua nhà phải di chuyển bằng ô tô, nếu không cũng chỉ bán cho người dân tại chính khu vực mà thôi.

Được biết, nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội rất lớn, thế nên bên cạnh việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, thành phố cần khảo sát kỹ khả năng dự án có người mua không, vị trí đã thuận tiện, hợp lý chưa, vì không phải cứ rẻ là có người mua.

Kính Lúp