Nặng tư duy đổ lỗi khách quan!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 24/08/2015
Nông nghiệp Hà Nội sẽ làm gì khi hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện sản xuất manh mún, hiệu quả thấp; quy trình thực hiện các chương trình, đề án như thế nào; bước đi, cách làm ra sao để mang lại hiệu quả cao... là những vấn đề vừa được đưa ra tại hội nghị bàn công tác phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô.
Dẫn chứng tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cho rằng: Hàng nông sản Việt Nam đang "chao đảo" trước thách thức của quá trình hội nhập; sản phẩm thịt bò BBB chỉ trong 3 năm gần đây đã giảm 35% về giá trị; hoa quả của Việt Nam không cạnh tranh được so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan... Đối với Hà Nội, sức cạnh tranh của nông sản so với các tỉnh, thành phố trong nước cũng thấp, chưa nói đến cạnh tranh quốc tế.
Ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất sẽ giúp ngành nông nghiệp ngày càng phát triển.Ảnh: Tự Cường |
Những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng được một số vùng canh tác tập trung. Tuy vậy, đa số các chương trình, đề án triển khai còn khó khăn nên khó "về đích" như mục tiêu đề ra. Cụ thể, chương trình nuôi trồng thủy sản được xây dựng trước khi có Luật Thủ đô và phê duyệt quy hoạch thủy sản nên việc thực hiện còn nhiều bất cập. Đặc biệt, nguồn nước nhiều nơi đang bị ô nhiễm, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản chưa được coi trọng nên hiệu quả chương trình không cao.
Đối với chương trình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, dù bước đầu đã hình thành một số vùng trọng điểm, song do đặc thù chăn nuôi mang tính nông hộ nhỏ lẻ, quy mô phát triển hầu hết tự phát, chưa xây dựng và lập dự án cụ thể, thiếu quy hoạch và đầu tư đồng bộ về thiết bị, giống, thức ăn; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Đối với các chương trình: Lúa hàng hóa; cây ăn quả, hoa cây cảnh; rau an toàn… hầu hết vướng về chính sách, thiếu tính pháp lý về đất đai, đặc biệt là thiếu sự vào cuộc của doanh nghiệp… nên hiệu quả chưa như mong muốn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết, việc triển khai các chương trình, đề án chưa thực sự bài bản; chưa có sự đồng thuận của người dân, sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương thiếu chặt chẽ… Do đó, sau khi kết thúc những mô hình điểm, việc nhân rộng rất khó. "Một số mô hình được các đơn vị đưa thẳng xuống dân, huyện không nắm được và cũng không tiếp sức thêm để nhân rộng về sau" - ông Ngọc cho biết. Đây cũng là quan điểm của bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội).
Hà Nội đã có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp chất lượng cao nhưng việc nhân rộng còn nhiều khó khăn. Ảnh: Ngô Lịch |
Bà Thoa cho biết: Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn từ thành phố đến huyện, xã chưa tốt. Nhiều chương trình, các đơn vị (cấp sở) làm với nông dân thông qua Phòng Kinh tế huyện, nhưng cũng có những mô hình làm trực tiếp với hợp tác xã hoặc hộ nông dân nên rất khó kiểm soát, quản lý. Không những thế, đội ngũ cán bộ kỹ thuật phải kiêm nhiệm cả lúa, hoa, cây ăn quả… dẫn tới thiếu chuyên sâu về kỹ thuật.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần xem xét lại khả năng lan tỏa của các chương trình, đề án đến đâu bởi có một thực tế là các đơn vị mới chỉ quan tâm đến việc xây dựng mô hình chứ chưa quan tâm đến việc nhân rộng, phát triển các mô hình. Điều quan trọng là sau mỗi mô hình, phải tổng kết, rút ra bài học gì để các chương trình, dự án sau làm tốt hơn. Trong các bước triển khai, phải có bước lấy ý kiến người dân tham gia nhưng nhiều dự án được lập không tham khảo ý kiến người dân mà áp đặt buộc họ làm theo. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám nhận định, việc họp bàn với dân trước khi tổ chức thực hiện một mô hình, dự án trên địa bàn huyện gần như chưa làm được nên hiệu quả của dự án chưa cao.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt nhấn mạnh: Khâu yếu nhất trong triển khai các chương trình, đề án là cán bộ chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm và sâu sát với mô hình. Trong tất cả các chương trình, đề án chậm tiến độ, kém hiệu quả, ngành nông nghiệp đều đánh giá những nguyên nhân; tuy vậy, không thấy chỉ ra được nguyên nhân nào là do chủ quan, do cán bộ từ cấp thành phố đến cấp xã chưa làm tròn nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu phải bỏ ngay tư duy đổ lỗi cho khách quan. "Dồn điền, đổi thửa là việc rất khó nhưng thành phố đã làm được. Đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ, sự đồng thuận của nhân dân. Nếu các chương trình, đề án trong phát triển sản xuất nông nghiệp cũng làm như vậy chắc chắn sẽ thành công" - Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt nói.