Ứng phó khi nhà có trộm, cướp đột nhập
Xã hội - Ngày đăng : 16:31, 23/08/2015
Với dân số hơn 11 triệu người, TP HCM hiện là một trong những địa bàn có tình hình an ninh phức tạp nhất nước. Theo công an thành phố, trên địa bàn hiện có 19 nghìn đối tượng nghiệp ngập, 24 nghìn đối tượng ra tù - lực lượng chính gây ra những vụ trộm cắp.
Chia sẻ trong buổi nói chuyện sáng qua tại Nhà văn hóa Phụ nữ Thành phố, thiếu tá Bùi Thái Đức, phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - công an Thành phố HCM cho biết, nguyên nhân chủ yếu của các vụ trộm cắp vẫn là chủ sở hữu sơ hở, mất cảnh giác.
Thiếu tá Đức phân tích bọn trộm thường đột nhập vào nhà lúc đêm khuya hoặc khi phát hiện nhà vắng chủ, nhà không khóa cửa (cửa ra vào, cửa trên lầu, cửa sổ) hoặc khóa không cẩn thận. Chúng dùng các thiết bị hiện dễ dàng tìm thấy trên thị trường để phá cửa, từ cửa cuốn, đến cửa kính, hay bẻ song sắt cửa sổ. Trộm cũng có thể lợi dụng địa hình, địa vật tại chỗ như cây, cột điện, tường nhà hàng xóm, lỗ thông gió để leo trèo đột nhập vào nhà. Đôi khi thông qua cửa sổ, trộm có thể lấy những đồ vật, túi xách, chìa khóa... mà gia chủ để ở vị trí thuận tiện.
Hãy luôn chú ý khóa cửa cẩn thận - Ảnh: horizon-garden-offices |
Từ cách thức hành động của bọn trộm cắp, thiếu tá Đức khuyến cáo người dân có thể đề phòng trộm cắp bằng các cách sau:
- Đánh vào tâm lý bọn trộm bằng cách treo trước nhà tấm biển “Coi chừng chó dữ”.
- Gia cố cửa: Hàn lại khoen khóa, bản lề, dùng ổ khóa chụp, chống cắt, gắn hệ thống báo động. Thực tế, nhiều gia chủ đầu tư khóa rất cẩn thận nhưng lại quên mất khoen khóa, và đây chính là nơi để bọn trộm cắp phá mắt xích. Chủ nhà không nên quá tin tưởng vào cửa cuốn và nên lắp thêm một lớp cửa phía trong.
- Chủ nhà nên khóa trong, thứ nhất, trộm sẽ khó phát hiện được nhà có vắng người hay không. Thứ hai, khóa trong nên để ở vị trí hơi cao hoặc hơi sâu so với lỗ cửa, muốn mở phải thò cả bàn bàn tay vào, như thế trộm sẽ mất rất nhiều thời gian phá khóa nên sẽ nản mà bỏ đi.
- Nên làm tường rào ngăn chặn việc có thể chuyền từ cây xanh, trụ điện để vào nhà.
- Khi đi ngủ, cần kiểm tra kỹ các cửa ra vào, cửa sổ, cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng. Có thể treo lên cánh cửa những đồ vật nào đó để khi đối tượng mở cửa, đồ vật rớt xuống, gây tiếng vang báo động kẻ gian đột nhập vào nhà,
- Không nên vắng nhà nhiều ngày, nếu đi vắng phải khóa cửa cẩn thận, nhờ người trông coi và lấy giùm những tờ rơi rét vào khe cửa. Nếu đi vắng qua đêm không nên bật đèn phòng khách. Nếu khóa trong, có thể bật đèn phòng ngủ mờ mờ đề "ngụy trang".
- Có mối quan hệ tốt, thân thiết với các hộ gia đình kế bên, phía trước và phía sau để cùng nhau có ý thức bảo vệ tài sản, hỗ trợ nhau khi vắng nhà. Thông báo số điện thoại trong nhóm hộ tự quản cho nhau.
- Kiểm tra sửa chữa nhà ở những nơi có lỗ hở mà con người có thể chui lọt.
- Cất giữ tài sản có giá trị ở những nơi an toàn, nên chia ra nhiều chỗ. Có ý thức bảo vệ tài sản của mình và nhắc nhở mọi người có trách nhiệm trông coi bảo vệ tài sản.
- Để khóa cửa tại nơi kín đáo, chỉ những người thân trong nhà mới biết. Không cắm sẵn chìa khóa ở xe, dù để xe trong nhà.
- Không nên mở cửa mời người lạ, không rõ danh tính vào nhà để tránh tình trạng đối tượng giả danh vào nhà trộm cắp cướp tài sản.
- Nếu ở nhà trọ hoặc mua lại nhà nên thay toàn bộ ổ khóa mới.
Nếu trộm đã vào nhà, cần xác định mình có khả năng tự vệ hay không, quan trọng là phải giữ được tính mạng của mình.
Thiếu tá Đức lưu ý, bọn trộm cướp không bao giờ hoạt động mà chỉ có một mình. Chúng luôn có đồng bọn và mang theo vũ khí. Mục đích ban đầu của chúng chỉ là trộm cắp tài sản, nhưng nhiều trường hợp trộm đã giết người khi bị gia chủ phản kháng.
Nếu bạn ở nhà một mình và phát hiện trộm đã vào nhà, nên đóng chặt phòng ngủ, giả vờ gọi to người bên cạnh, bấm chuông báo động (nếu có) hoặc gọi điện thoại báo cho công an. Nếu bạn phát hiện trộm vào phòng ngủ, tốt nhất nên giả vờ ngủ tiếp.
Nếu bạn đi về đến cổng nhà, nếu phát hiện hoặc nghi có người lạ trong nhà như nghe có tiếng động trong nhà, nhìn thấy cửa bị cậy hoặc phá: Đừng vội xông vào nhà ngay và hét lên mình là chủ nhà, hãy khóa lại cổng, đi gọi người hỗ trợ và báo công an.
Nếu đã vào trong cổng mới phát hiện có dấu hiệu khác thường: Hãy giả vờ là khách hỏi thăm chủ nhà rồi đi báo người hỗ trợ và công an.
Đặc biệt, nếu bị cướp tấn công từ bên ngoài vào nhà, chúng có lời nói cử chỉ để hăm doạ, khống chế yêu cầu đưa tài sản:
- Tỏ ra ngoan ngoãn, phục tùng, làm theo tất cả yêu cầu của chúng, không để chúng có cảm giác bất an hay bị kích động.
- Tận dụng sơ hở để bỏ chạy đến nơi an toàn trong nhà, chốt khóa cửa phòng lại, nếu có thể thì bỏ chạy thoát thân ra khỏi nhà, tri hô rồi báo công an.
- Không nhìn thẳng và tỏ vẻ cố gắng ghi nhớ mặt chúng. Nếu nhận ra người quen thì cũng vờ như không biết. Không nên phản ứng ngay lập tức như giằng co, đánh lại hoặc hô hoán kêu cứu, hay dọa sẽ báo công an.
Trong tình huống có thể tự vệ: Trước tiên tỏ ra hợp tác. Nhân lúc kẻ trộm cướp sơ hở, có thể bấm chuông báo động, cầm vũ khí tấn công, nếu không có hung khí thì nhân lúc đối tượng không để ý dùng tay chọc mắt, đá vào bộ hạ, cẳng chân (ống đồng) thật mạnh. Bạn nên nhớ mục đích chạy thoát thân, chứ không phải đánh lại đối tượng, kẻo lỡ tay, bạn sẽ mắc tội cố ý gây thương sát.
Tình huống bị đối tượng lạ mặt đánh đòn phủ đầu: Nằm bất động giả chết, mặc cho chúng lục lọi cho đến khi bỏ đi.
Tình huống tên cướp là người quen: Nếu chúng đã phát hiện ra bạn, chắc chắn chúng sẽ giết người bịt khẩu, vì thế hãy phản ứng quyết liệt, vừa chống trả vừa hô hoán và tìm đường gần nhất để chạy thoát thân.