Gặp lại "Kỳ vương đất Bắc"

Giới trẻ - Ngày đăng : 08:43, 23/08/2015

(HNM) - Cả một đời đánh đổi và cống hiến cho thăng trầm cờ tướng kinh kỳ,


Một thuở lừng danh...

Tôi gặp ông ngồi đó trên chiếc giường cũ; cái nóng oi ả ngày hè ập vào căn phòng nhỏ đơn sơ. Khác với những suy nghĩ ban đầu của tôi, ông sống giản dị cùng con cái trong căn phòng diện tích chưa đến 20m2 ở một con ngõ nhỏ trên phố Trương Hán Siêu (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Những ký ức về đời cờ giờ đây lúc liền mạch khi đứt quãng trong trí óc lão kiện tướng nay đã gần cửu tuần. Ông lão tóc trắng, dáng người chậm chạp với đôi tai nghễnh ngãng ấy chính là kỳ thủ lừng lẫy một thời. Với phong cách tấn công như vũ bão, cộng với việc sở hữu đôi tai dài, dày dặn nên giới cờ gọi ông là Nguyễn Tấn Thọ, quên mất cái tên khai sinh Nguyễn Văn Pho. 18 tuổi, ông Thọ đã đoạt chức vô địch cờ tướng Hà Nội. Một mạch nhiều năm liền vô địch cờ tướng toàn miền Bắc, cái tên "Kỳ vương đất Bắc" cũng theo đó mà thành, gắn bó với ông suốt 65 năm nay.

Kỳ vương Nguyễn Tấn Thọ cùng vợ trong căn nhà giản dị ở phố Trương Hán Siêu quận Hoàn Kiếm.


"Kỳ Vương" có một người con trai tên là Nguyễn Tiến Cường. Mê cờ từ bé nên anh được nhiều dịp theo cha đi tỉ cờ khắp Bắc - Trung - Nam, chứng kiến không biết bao trận thư hùng của người cha danh tiếng. Anh Cường kể: "Hàng chục năm trước, bố tôi có một người bạn tên là Biểu, quê Thái Bình, thách đấu cờ và bị thua, cược mất 18 cây đàn tam thập lục quý giá cho các cao thủ cờ Hải Phòng. Biết tin, ông lập tức đi tỉ cờ thách thức với những cao thủ đó và thắng lại được 18 cây đàn cho người bạn của mình. Người ta truyền tai nhau, khi ông ra về, người Hải Phòng mới ngã ngửa rằng, người tỉ thí cờ cùng mình là Nguyễn Tấn Thọ, "Kỳ vương đất Bắc" nghe danh đã lâu mà chưa biết mặt". Lần khác, đến sới cờ Kinh Bắc giật giải, có tới 7 người chụm lại đánh với mình ông Thọ. Họ chơi theo lối "cờ tai" tức là đứng ngoài nhặt nước sót hộ người làng đang trong cuộc cờ, rồi mách nước, vừa đánh cờ ông vừa nghĩ, không nhẽ lại nói họ "gọi hết cả làng ra đây". Anh Cường mủm mỉm cười kể chuyện.

Năm 1966, Trung Quốc cử 3 cao thủ cờ của họ là Dương Quan Lân, Sái Phúc Như và Hồ Vinh Hoa sang thi đấu hữu nghị với làng cờ Hà Nội. Nguyễn Tấn Thọ lại được tiếp chiêu. Ông đánh 3 trận, 2 hòa và 1 thua. Khi đó ông chỉ được báo trước có khoảng một tuần, không được xem kỳ bản để nghiên cứu cách chơi của người ta thế nào. Ông thất trận trước thiên tài cờ tướng trăm năm có một, người được coi như "Phượng hoàng tái sinh" trong giới kỳ nghệ của Trung Quốc Đại lục là Hồ Vinh Hoa sau 171 nước. Đó là một trong những lần hiếm hoi ông thua, khiến ông nhớ mãi.

Tâm huyết đời cờ của ông dành cả vào 3 cuốn sách "Cờ tướng - những vấn đề cơ bản", "Những thế cờ sưu tầm và chọn lọc", "Khai cục, trung cục và tàn cục". Trong đó có cuốn viết chung với những tác giả từng là cao thủ cờ một thời. Ngoài ra còn rất nhiều bài đăng trên Báo Đại đoàn kết, những thế cờ khó do ông nghĩ ra để độc giả tham gia giải nhưng không mấy người phá được thế cờ của ông.

Hạt bụi vàng lấp lánh

Đời kỳ thủ nghèo nhưng với ông Thọ như thể đó là lẽ sống. Ông thầm lặng đeo đuổi những cuộc tỉ cờ trong nhân gian, trăn trở với từng thế cờ nhiều khi vô thưởng vô phạt. Hàng xóm đầu ngõ kể với chúng tôi, nhiều lần vì chưa hết trận cờ, ông bỏ cả ăn, mặc kệ đứa con trai nhỏ chạy khắp các ngõ đi tìm. Trong ký ức tuổi thơ của các con ông, luôn hiển hiện hình ảnh người cha ngày chơi cờ, đêm khuya thanh vắng, tĩnh lặng đọc kỳ trận, nghiên cứu thế cờ đến rạc cả người.

Còn người vợ của ông, bà Lâm Thị Lan nói, nghiệp cờ nó vận vào người nên ông mê cờ hơn cả vợ: "Hồi chưa lấy nhau, không ít lần vì mải mê chơi cờ mà ông quên mất hẹn với tôi. Có lúc, cả hai đã đến rạp xem phim thì có trận cờ hay, ông ấy bảo tôi vào xem còn ông đi đánh cờ. Biết tính ông, tôi bỏ vé theo ông". Bà nhớ lại: "Thời bao cấp, do giỏi tiếng Pháp, ông được giao công tác biên dịch tài liệu cho cơ quan. Các văn bản, ông dịch nhanh chóng và chính xác, nhưng do quá ham mê cờ, ông nói với cơ quan là mất nhiều thời gian nên phải ở nhà dịch, rồi dành thời gian đi chơi cờ. Kết quả, công việc hoàn thành mà ông vẫn thỏa mãn được niềm đam mê...".

Để ông có thể chuyên tâm chơi cờ, bà thay chồng quán xuyến từ chuyện nhà chuyện cửa, lo cơm nước và nuôi dạy 4 đứa con. Giờ đây khi ông có bệnh, bà vẫn hằng ngày hết lòng lo lắng chăm sóc cho chồng. Tôi hỏi chuyện: "Thế có lúc nào bà giận ông vì ham cờ quá không ạ? - "Tôi mà giận thì chẳng sống được với ông ấy đến giờ!". Ông nghe vợ nói thế chỉ lặng lẽ cười trừ. Đợi lúc vợ ra ngoài, ông ghé tai tôi bảo: "Đời kỳ thủ nghèo lắm. Nhưng suốt cả cuộc đời này có hai thứ tôi không bao giờ hết yêu đó là cờ và vợ". Lúc ấy tôi mới hiểu vì sao người phụ nữ bên cạnh ông lại hy sinh cả cuộc đời vì niềm đam mê của ông như vậy. Họ chính là tình đầu, cũng là tình cuối - tình trăm năm của nhau!

Dù tuổi cao "Kỳ vương đất Bắc" vẫn tham gia tổ chức Giải Cờ tướng Chùa Vua - Hà Nội và Giải Cờ tướng Văn Miếu. Mấy năm gần đây, khi không còn đủ sức khỏe nữa ông mới nghỉ. "Hổ phụ sinh hổ tử", anh Tiến Cường cũng nhiều lần vô địch Giải Cờ tướng Chùa Vua, vô địch giải Văn Miếu là những nơi quy tụ rất nhiều kỳ thủ hằng năm đến so tài. Anh cũng đang đứng ra thay cha tổ chức các giải cờ xuân thường niên hằng năm tại Hà Nội.

Việc nghe và nói chuyện của ông trở nên khó khăn hơn từ sau cơn tai biến vài năm trước, suốt cuộc trò chuyện thỉnh thoảng, ông góp vài câu, gương mặt hiền hậu thường trực nở nụ cười. Tôi nắm lấy tay ông, cảm giác gần gũi như người thân. Có lẽ, thú chơi cờ giúp ông rèn giũa, sống một đời nhường nhịn, ôn hòa, được nhiều người nể trọng. Ngày ngày bạn cờ khắp nơi vẫn thường đến thăm, cùng ông ôn lại chuyện cờ và bàn luận chuyện đời.

Chẳng ai có thể trả lời câu hỏi: Người Hà Nội bắt đầu chơi cờ tướng từ khi nào? Chỉ biết rằng Hà Nội từ lâu đã có nhiều câu lạc bộ cờ tướng, nhiều kỳ thủ trứ danh, từng thi đấu với các danh thủ lừng lẫy thế giới. Góp phần làm nên danh tiếng của "làng cờ", có một phần nhỏ bé từ những ván cờ vỉa hè, một thú chơi bền bỉ ở đất Hà thành. Cũng giống như ông, những kỳ thủ đã lưu giữ trong chính đời sống của mình những giấc mơ, những sáng tạo và dâng hiến cho đất kinh kỳ. Chính họ đã góp phần mang những vẻ đẹp của văn hóa Thăng Long vào cộng đồng. Nhìn mái tóc bạc phơ, tôi thoáng nghĩ, rồi cũng sẽ có một ngày những người như ông trở thành người thiên cổ - hay nói như nhà văn Nguyễn Khải "lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hay mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng".

Quỳnh Nguyên