Thu Tháng Tám và thế hệ kiến trúc sư đầu tiên

Văn hóa - Ngày đăng : 07:50, 23/08/2015

(HNM) - Sự kiện đã đi vào lịch sử ngành kiến trúc diễn ra ngày 1-9-1945: Trên quảng trường Ba Đình - Hà Nội, một kiến trúc sư (KTS) trẻ 25 tuổi đã cùng anh em thợ dựng một lễ đài trong vòng 24 giờ để sau đó, ngày 2-9, trên chính lễ đài đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cách mạng Tháng Tám thành công, thay đổi vận mệnh dân tộc và cũng đặt các nghệ sĩ, trí thức, trong đó có các KTS trẻ trước hành trình mới, gian khổ nhưng hào sảng với tâm thế người dân của một nước độc lập...

1. Những công trình từ mùa thu lịch sử

Người KTS trẻ dựng lễ đài tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội năm 1945 là KTS Ngô Huy Quỳnh, sinh năm 1920, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1943. KTS trẻ này là người trực tiếp tham gia tổ chức mít tinh giành chính quyền ở Nam Định trong Cách mạng Tháng Tám. Giới kiến trúc và lịch sử nước nhà cũng không quên ngày 24-8-1945, tại Sài Gòn, KTS Huỳnh Tấn Phát đã vẽ và dựng một kỳ đài cao 15m ghi danh các vị ủy viên Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ để nhân dân đón chào chính quyền cách mạng.

Giới kiến trúc ghi nhận: "Hai công trình tuy nhỏ bé đơn sơ, được dựng trong những điều kiện đặc biệt ở hai đầu đất nước vào mùa thu cách đây 70 năm trước đã được coi là dấu ấn đầu tiên của kiến trúc nước nhà nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của cách mạng".

Nhớ về thế hệ những KTS đầu tiên, KTS Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc Hà Nội, trong một chiều tháng 8-2015, ngay trước thềm sự kiện kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám bồi hồi nhớ lại: "Ấn tượng của tôi về thế hệ KTS mỹ thuật Đông Dương trước đây là những người được truyền thụ kiến thức nghiêm túc, không ồn ào mà sâu sắc. Cách mạng Tháng Tám và cuộc trường kỳ kháng chiến cho họ sự thay đổi và cũng là trường học lớn của họ".

Nhà hàng Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm, một công trình bảo đảm hài hòa truyền thống và hiện đại.Ảnh: Bá Hoạt


Có thể kể đến KTS Nguyễn Cao Luyện (quê Nam Định), Nguyễn Văn Ninh (Lạng Sơn), Nguyễn Ngọc Chân (Hà Nội), Hoàng Như Tiếp (Huế), Trần Hữu Tiềm (Hà Nam), Hoàng Linh (Hà Nội), Nguyễn Nghi (Hà Nội)... và nhiều KTS khác. Họ rời phố lên rừng, bước vào cuộc kháng chiến như bao trí thức, nhà khoa học khác. KTS Hoàng Linh, KTS Hoàng Như Tiếp được giao thiết kế, tổ chức xây dựng cơ sở họp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại Tuyên Quang trong điều kiện phải bảo đảm bí mật và giữ an toàn tuyệt đối. Quần thể công trình họp đại hội không những được hoàn thành sớm hơn dự định, mà còn được ghi nhận trong lịch sử kiến trúc là "công trình có quy mô lớn nhất, đẹp nhất, đạt hiệu quả nhất, gây ấn tượng nhất trong kháng chiến ở Việt Bắc". Nhiều KTS khác cũng đã dành tâm huyết, tuổi trẻ để góp sức cho hàng loạt công trình phục vụ công cuộc kháng chiến của dân tộc.

Không chỉ khó khăn vì bom đạn, thiếu thốn mà ngay cả khi đã hòa bình, những điều kiện cho kiến trúc không phải lúc nào cũng sẵn sàng. Chỉ có điều, với tâm hồn và nhiệt huyết các KTS đã hết mình, say sưa như để bù đắp lại những năm tháng chờ đợi và tất bật của công cuộc kháng chiến.

Theo nhận định của giới kiến trúc, các công trình còn lại đến ngày nay như Tổng cục Thống kê, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Đại học Thủy lợi... đều toát lên vẻ bề thế, tính thẩm mỹ và tư duy nghệ thuật sắc sảo.

2. Di sản tinh thần

Các công trình kiến trúc mang trong nó giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, là nhân chứng về những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Nhưng, nói như KTS Lê Văn Lân, thế hệ KTS đầu tiên đã để lại di sản quan trọng nhất là tâm hồn, tinh thần làm việc nghiêm túc mà hào sảng. Đặc biệt, các KTS thế hệ đầu dù được đào tạo trong môi trường mà chính quyền thuộc địa Pháp kiểm soát chặt chẽ, nhưng tiềm ẩn trong mỗi người KTS trẻ vẫn là tinh thần Việt, văn hóa Việt. Các thế hệ KTS sau này đều cho rằng, lớp KTS thế hệ đầu đã gìn giữ tinh thần ấy như một nền tảng để tiếp thu văn hóa hiện đại phương Tây.

Quả thật, nếu không lạc quan, không có tinh thần Việt, văn hóa Việt thì làm sao có thể bền bỉ với nghề. Chiến tranh, thiếu thốn, gian khổ làm lỡ dở nhiều mơ ước, khát vọng; đối với người KTS, đó là một thử thách lớn bởi, như ai đó từng nói "Kiến trúc cũng là những cảm xúc, nhưng cảm xúc đó phải được cụ thể hóa qua một đơn đặt hàng". Với cây bút, trang giấy, các nhà văn, nhà thơ có thể cho ra đời một tác phẩm hoàn chỉnh, nhưng với người KTS, từ ý tưởng cho đến những công trình thực tế là cả một chặng dài.

Nghĩ thế, lại càng muốn chia sẻ với kỷ niệm của KTS Lê Văn Lân: "Những năm sơ tán, khi chúng tôi tiếp cận được một số cuốn sách kiến trúc hiện đại của Châu Âu, Nhật Bản, không ít lúc cay cay nơi sống mũi vì nghĩ đến người, đến mình. Khi ấy chỉ có thể là học, là ghi chép, tích lũy và chờ đợi... Lại càng hiểu sâu sắc hơn thế hệ đàn anh đi trước. Di sản họ để lại không chỉ là những công trình kiến trúc mà còn là tinh thần lạc quan, hết lòng cống hiến và trân trọng truyền thống dân tộc".

Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình do KTS Ngô Huy Quỳnh thiết kế. Ảnh tư liệu


Dịp này, KTS Lê Văn Lân cũng nhắc lại nhiều kỷ niệm thuở mới ra trường, khi gặp các KTS Nguyễn Văn Ninh, KTS Nguyễn Ngọc Chân - những vị thủ trưởng gần gũi, chân tình, làm việc cẩn trọng, say mê. Với KTS Lê Văn Lân thì KTS Ngô Huy Quỳnh, KTS Nguyễn Cao Luyện như những người thầy "nhen nhóm trong tôi những rung động đầu tiên trước nghề kiến trúc". Những giờ truyền thụ bài giảng của các thầy với nỗ lực diễn đạt các thuật ngữ bằng tiếng Việt, rồi không ít băn khoăn lúng túng khi giáo trình còn thiếu thốn... Các KTS cũng là những người trực tiếp đưa học trò đi thực tế tại các vùng miền của đất nước để truyền đạt những bài học từ đời sống kiến trúc.

Có thể nói, hôm nay, khi những điều kiện mới thuận lợi hơn cho kiến trúc đã hình thành, tinh thần của lớp KTS từ mùa thu cách mạng 70 năm trước hẳn vẫn sẽ còn là động lực lớn cho thế
hệ sau. 

Thi Thi