Tổ chức Đoàn tích cực góp phần để người trẻ cống hiến nhiều hơn nữa cho Thủ đô
Xã hội - Ngày đăng : 06:49, 23/08/2015
Không đơn thuần là một buổi lễ, chương trình được tổ chức nhằm ghi nhận, biểu dương kết quả học tập, rèn luyện, tinh thần hiếu học, vượt khó của sinh viên Thủ đô. Sự kiện này cùng với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực khuyến khích, thúc đẩy phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, Thành đoàn Hà Nội đã và đang nỗ lực góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ cho công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Trần Anh Tuấn đã trao đổi với Hànộimới về những công việc mà tổ chức Đoàn đang làm để giúp người trẻ cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước.
Tôn vinh…
- Đã thành thông lệ, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, TP Hà Nội lại tổ chức lễ tôn vinh các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. Với vai trò là cơ quan thường trực và trực tiếp tham mưu, tổ chức chương trình, Thành đoàn Hà Nội đã có những bước chuẩn bị như thế nào cho buổi lễ quan trọng này?
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một nhiệm vụ chiến lược bảo đảm thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô. Vì vậy, từ nhiều năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, kịp thời nhằm khuyến khích, bồi dưỡng và thu hút những nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, Quy chế Tuyên dương thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội là một trong những cơ chế điển hình cho việc thu hút nhân tài về phục vụ, cống hiến cho Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Trần Anh Tuấn. |
Hằng năm, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố giao cho Thành đoàn là cơ quan thường trực và trực tiếp tham mưu, tổ chức chương trình Tuyên dương Thủ khoa xuất sắc với mong muốn các hoạt động của chương trình này được tổ chức một cách thiết thực, phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của tuổi trẻ. Vì thế lễ tuyên dương luôn có sự đổi mới và gắn với tình hình chính trị của đất nước, Thủ đô. Chẳng hạn, ngoài buổi lễ tuyên dương chính thức được tổ chức trọng thể tại Quốc tử giám, chúng tôi đã tổ chức cho các thủ khoa thăm các di tích lịch sử cách mạng; tham gia tọa đàm về các chủ đề như bảo vệ chủ quyền biển đảo, trách nhiệm của thủ khoa với việc hiến kế xây dựng Thủ đô và đất nước, thủ khoa với xây dựng nông thôn mới… Qua đó nhằm bồi đắp lòng yêu nước, bổ sung kiến thức, giúp các em tăng thêm ý chí phấn đấu, sẵn sàng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Đâu là những điểm mới của chương trình năm nay?
- Theo quy chế mới, từ năm 2015, mỗi năm, TP Hà Nội sẽ tuyên dương tối đa 100 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn. Năm nay, qua các vòng xét chọn của Hội đồng từ cấp trường tới cấp thành phố, TP Hà Nội sẽ tổ chức tuyên dương 98 thủ khoa. Đây đều là những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, học viện với thành tích đặc biệt xuất sắc về học tập, rèn luyện và công tác xã hội. Nhiều thủ khoa xuất sắc là đảng viên, là thủ khoa kép cả “đầu vào” và “đầu ra”. Nhiều bạn có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt khó vươn lên. Nhiều thủ khoa có công trình nghiên cứu khoa học, những đề tài, sáng kiến, giải pháp thiết thực, hiệu quả, đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhiều bạn còn là cán bộ Đoàn, Hội tích cực, năng động... Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu của sinh viên Thủ đô trong học tập và rèn luyện.
Năm nay, lễ tuyên dương đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cho nên từ nhiều ngày nay, chúng tôi đã tổ chức cho thủ khoa xuất sắc tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống tại Đền thờ Bác Hồ ở Ba Vì, tham gia hoạt động từ thiện xã hội và chia sẻ kinh nghiệm học tập với các em học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện Ba Vì. Đặc biệt, Thành đoàn đã tham mưu tổ chức cho các thủ khoa giao lưu với các nhân chứng lịch sử thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội năm 1945 như bác Lê Đức Vân - Trưởng ban Liên lạc cựu Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, bác Nguyễn Hải Hùng - nguyên Đội trưởng Đội Tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội cùng nhiều nhân chứng lịch sử khác. Từ đó, mỗi bạn sẽ xác định được trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối truyền thống cha anh đi trước và tham gia xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
… gắn với trọng dụng
- Bên cạnh việc tôn vinh, làm thế nào để trọng dụng được nhân tài là điều không riêng Hà Nội trăn trở. Xin đồng chí cho biết, trong 12 năm qua, đã có bao nhiêu thủ khoa được tôn vinh và trong số đó có bao nhiêu bạn công tác ở cơ quan, đơn vị nhà nước tại Thủ đô Hà Nội?
- 12 năm qua, chương trình tuyên dương thủ khoa luôn gắn với chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Thành phố cũng có chính sách tốt để thu hút thủ khoa về công tác tại các cơ quan của Thủ đô, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô; Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế Tuyên dương, khen thưởng thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP Hà Nội.
Với những nghị quyết và quyết định quan trọng này đã cho thấy sự đổi mới mang tính đột phá về chính sách tuyển dụng và chế độ đãi ngộ hy vọng tạo cơ hội cho nhiều người và cũng tạo cơ hội để Hà Nội thu hút được nhân tài thực sự. 12 năm qua, đã có 1.335 thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Trong đó, có khoảng hơn 100 thủ khoa đã được tuyển dụng đặc cách vào các cơ quan của thành phố và phần lớn trong số đó đã thành công trong sự nghiệp, có nhiều đóng góp cho Thủ đô và đất nước. Riêng cơ quan Thành đoàn tiếp nhận 10 thủ khoa về công tác. Nhìn chung các thủ khoa đều phát huy tốt tố chất, năng lực, hầu hết đã được bổ nhiệm làm trưởng, phó các phòng, ban Thành đoàn khi tuổi còn rất trẻ.
- Hơn 100 thủ khoa xuất sắc về làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố, chiếm gần 10% trong tổng số được tuyên dương. Tỷ lệ đó có quá thấp không và phải chăng các thủ khoa chưa mặn mà với chính sách trọng dụng nhân tài của thành phố Hà Nội?
- Tôi không cho rằng tỷ lệ này là thấp bởi một số lý do sau:
Thứ nhất, hầu hết thủ khoa (khoảng 90%) đều đã được nhà trường giữ lại làm giảng viên và nhận được học bổng để đi học ở nước ngoài và đó là điều thủ khoa mong muốn, bởi vì thủ khoa là những người rất đam mê ngành học của mình, chính vì vậy họ đều mong muốn được tiếp tục học tập, nghiên cứu cao hơn và chinh phục những đỉnh cao tri thức mà mình theo đuổi. Hơn nữa, sau khi học tập ở nước ngoài về họ lại mong muốn truyền đạt lại những kiến thức của mình cho thế hệ sau và tiếp tục nghiên cứu khoa học. Vì vậy, thường là họ sẽ chọn quay về giảng dạy ở các trường đại học, học viện. Tất nhiên, cũng có những người sẽ ở lại nước ngoài hoặc làm việc cho các cơ quan ngoài nhà nước, đó là do mưu cầu của mỗi người.
Thứ hai, các thủ khoa đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc và ở quê hương của họ cũng cần họ về cống hiến, xây dựng địa phương và cũng có những chính sách đãi ngộ tốt. Vì vậy, Hà Nội tuyên dương thủ khoa xuất sắc không chỉ là thể hiện chính sách trọng dụng nhân tài và thu hút, tuyển dụng họ về Hà Nội mà mục đích lớn lao hơn là nhân rộng các tấm gương điển hình về học tập và rèn luyện nhằm khích lệ tinh thần học tập trong học sinh sinh viên Thủ đô và cả nước.
Vì vậy, chúng ta không nên khẳng định là chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn hay thủ khoa chưa mặn mà với chính sách này của Hà Nội mà ở đây là mục tiêu của các thủ khoa sau khi tốt nghiệp là khác nhau, có bạn muốn đi học, có bạn đi làm ngay, có bạn muốn vào cơ quan nhà nước, có bạn muốn làm cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nhưng, điều quan trọng là họ luôn hướng về Thủ đô và đất nước và họ sẽ luôn nhớ về chính sách đãi ngộ và sự quan tâm của TP Hà Nội đối với thủ khoa như một động lực lớn trong hành trang bước vào đời của mình.
Để người trẻ được cống hiến
- Chúng ta đã nói nhiều về chính sách trọng dụng, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của những thủ khoa, nhưng chỉ nói riêng về các bạn ấy thì chưa đủ vì lực lượng thanh niên nông thôn hiện chiếm khá đông. Điều đó cũng có nghĩa là nguồn lực trẻ ở khu vực này rất lớn. Vậy, vai trò của tổ chức Đoàn trong việc tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương như thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, thưa đồng chí?
- Đối với thanh niên nông thôn, Đoàn Thanh niên thành phố xác định rất rõ, đây là lực lượng lớn cần phải tập trung định hướng, tuyên truyền giúp đỡ để các bạn có thể lập thân, lập nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là việc tham gia xây dựng nông thôn mới những năm gần đây. Chúng tôi đã có rất nhiều mô hình để giúp đỡ đoàn viên, thanh niên khu vực nông thôn phát triển kinh tế gia đình, tự khẳng định mình và điều quan trọng là xã hội cũng thấy được vai trò của tổ chức Đoàn đối với sự phát triển của đoàn viên khu vực nông thôn.
Cụ thể, chúng tôi đã quan tâm kết nối các bạn đoàn viên thanh niên khu vực nông thôn từ khi là học sinh THPT thông qua các buổi giao lưu, tọa đàm tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm để qua đó các bạn có điều kiện tiếp cận nguồn thông tin, sớm định hướng lập thân, lập nghiệp, trở thành những công dân có ích cho xã hội, đóng góp thiết thực cho quê hương. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên thành phố và các cơ sở Đoàn còn liên kết với các ngân hàng, tìm nguồn vốn vay ưu đãi giúp đoàn viên làm kinh tế được tiếp cận với nguồn vốn này để đầu tư sản xuất.
Chúng tôi còn thành lập các CLB thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, tập hợp các bạn đã khẳng định được bản thân trên con đường lập thân, lập nghiệp để truyền đạt kinh nghiệm cho các bạn trẻ nông thôn, từ đó có thể lựa chọn con đường phù hợp, tiến về đích nhanh, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên thành phố cũng đã phát huy tính sáng tạo, tinh thần chủ động các CLB doanh nghiệp trẻ, giúp đoàn viên thanh niên nông thôn tiếp cận với các mô hình làm kinh tế giỏi để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, dù việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách nhiều năm qua khá tốt, thế nhưng mức cho vay của ngân hàng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đầu tư phát triển mở rộng sản xuất. Vì vậy, để giúp đỡ thanh niên khu vực nông thôn, chúng tôi cố gắng tạo dựng một khung kiến thức phổ quát từ việc chia sẻ thông tin, góp vốn, cách thức thành lập doanh nghiệp… để các bạn có thể tìm hiểu những thông tin cần thiết cho quá trình khởi nghiệp của mình.
- Có một thực tế, trong quá trình biến ý tưởng thành các mô hình hiệu quả, không ít thanh niên phải tự thân vận động. Nói cách khác, khi thanh niên triển khai mô hình trang trại không thấy bóng dáng chính quyền, lực lượng đoàn đâu, nhưng khi họ thành công thì đây lại được coi là “thành quả chung”. Vậy, đó có phải là hình thức, làm thế nào để các hoạt động của tổ chức Đoàn thực chất, có sức thuyết phục hơn, thưa đồng chí?
Trước hết, chúng ta phải xác định rằng: Yếu tố đầu tiên phải là sự nỗ lực của bản thân thanh niên trước đã, sau đó là sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của các cấp chính quyền và sự đồng hành của tổ chức Đoàn. Thực tế, nếu nói ai đó xây dựng mô hình trang trại mà không có bóng dáng của chính quyền thì không đúng, bởi vì như vậy thì không làm được, vì ít nhất cũng phải xin cấp phép và các thủ tục cần thiết, ngay khi được phê duyệt mô hình thì đó chính là sự tạo điều kiện rồi.
Còn đối với tổ chức Đoàn, với tinh thần của phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, chúng tôi đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa thanh niên với ngân hàng để tạo điều kiện vốn vay cho thanh niên; với chính quyền địa phương và lãnh đạo TP Hà Nội để tạo cơ chế, chính sách ưu đãi cho thanh niên làm kinh tế và giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh với nhau để chia sẻ kinh nghiệm thông qua mô hình CLB Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi và CLB Doanh nghiệp trẻ… Tổ chức Đoàn sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt vai trò của mình giúp các bạn trẻ lập thân, lập nghiệp, góp sức mình dựng xây Thủ đô và đất nước.
- Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!