Nét đẹp người Thủ đô: Lặng lẽ làm phúc cho đời
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:57, 22/08/2015
Sinh ra và lớn lên ở làng Nhật Tân ven Sông Hồng, ông Dũng giỏi bơi lội từ nhỏ. Năm 13 tuổi, trong một lần đang chăn trâu với bạn, cậu bé Dũng đang bơi sông thì gặp xác của hai người đàn ông trong lùm cây. Dũng kéo cả hai lên bờ. Xong việc thì trời vừa tối. Không để cho hai xác bị xâm phạm, trong khi ai cũng sợ, đêm hôm đó, một mình Dũng canh xác giữa bãi Sông Hồng. Rồi từ đấy, cứ vào mùa nước lên từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm, ông Dũng đã vớt hàng chục xác người dạt vào bãi sông. Nổi tiếng trong các làng ven Sông Hồng, từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc, đến các huyện Đông Anh, Mê Linh, khu vực cầu Long Biên, bãi Tứ Liên… khi nào có người chết đuối, người ta bảo nhau cầu cứu ông Dũng...
Việc vớt xác người chết trôi sông không phải ai cũng làm được, nhất là vào mùa nước lên. Giữa dòng nước hung dữ, việc bảo đảm an toàn cho bản thân đã khó, lại phải vượt qua sự sợ hãi, lựa chiều lèo lái mới đưa được xác chết lên bờ, do vậy đòi hỏi phải có cả sức khỏe, sự dũng cảm, khéo léo, hiểu quy luật dòng chảy và hơn hết là tình thương, trách nhiệm với con người. Theo ông Dũng, những người tự tử thường mang đủ giấy tờ, địa chỉ liên hệ nên thuận tiện cho việc liên lạc với người thân. Khó nhất là với những thi thể vô thừa nhận. Những năm trước năm 1995, ông phải làm các thủ tục pháp lý, lễ nghi, mua vật liệu, hương hoa, rồi tự tìm nơi chôn cất cho họ. Dần dần, ngay bờ sông, giữa vườn đào xanh tốt, ông lập một nghĩa trang nhỏ nhắn với hai miếu thờ làm nơi an nghỉ cho 71 người chết vô thừa nhận...
Vất vả, khó nhọc, hiểm nguy, lại tốn kém nhưng ông Dũng không bao giờ từ nan. Ông hiểu rằng trong số những người quyết định chấm dứt cuộc sống của mình, có cả người mắc bệnh hiểm nghèo, nhiễm HIV. Mỗi lần lo hậu sự xong cho người chết, ông lại lâm cảnh "ngớ ngẩn", lơ ngơ, suy sụp mấy ngày. Lo cho ông, vợ con, người thân không ít lần can gián, gây sức ép. Cũng đã vài lần, ông quyết định không làm việc này nữa, nhưng sự lo lắng lại thúc bách ông ra bờ sông, lặng lẽ dấn thân làm những việc mà nhiều người sợ hãi, tìm cách tránh xa...
Bên cạnh việc giúp đỡ những người xấu số và thân nhân, công việc chính của vợ chồng ông là chăm sóc hàng trăm gốc đào từ tờ mờ sáng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, cuộc sống trong gia đình ông ngày càng khấm khá. Tham gia Hội Chữ thập đỏ của phường, ông luôn là người tích cực ủng hộ các hoạt động từ thiện, hỗ trợ người nghèo, trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không những thế, ông luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn bè, người thân; hướng dẫn cách làm ăn, sử dụng vốn hiệu quả...