Mở ra cơ hội lớn cho dệt may, thủy sản

Kinh tế - Ngày đăng : 07:39, 22/08/2015

(HNM) - Trong khi việc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tạm thời trì hoãn, thì Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố kết thúc quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Mai Vy



Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, FTA Việt Nam - EU là hiệp định toàn diện và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Theo các chuyên gia, FTA này có tác động tích cực trên diện rộng đối với nhiều loại hàng xuất khẩu của Việt Nam nhờ việc EU gỡ bỏ hầu hết các dòng thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và thuế suất sẽ lùi về 0% sau thời gian tối đa là 7 năm. Trong đó, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may và thủy sản nổi lên là những ứng cử viên nhiều hứa hẹn nhất trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu tới một thị trường có sức mua lớn hàng đầu thế giới ngay từ năm tới.

Cụ thể, việc ký kết FTA với EU sẽ giúp giảm mức thuế mà EU áp đối với mặt hàng may mặc của Việt Nam 9-10% hiện tại xuống 0%. Từ đó, tạo ra tác động dây chuyền, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng dệt may với mức tăng trưởng trung bình lên hơn 20%. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng về kim ngạch sẽ phụ thuộc chủ yếu vào năng lực sản xuất, sự chủ động đáp ứng yêu cầu của khách hàng EU. Tính chung, việc ký kết FTA nói trên sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn là khó khăn cho doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước, nhưng cũng đặt DN trước một số vấn đề cần giải quyết để có thể xuất khẩu suôn sẻ.

Đại diện các DN dệt may cho biết, mỗi đơn vị cũng cần có sự chuẩn bị chủ động; trong đó đáng lưu ý là phải bảo đảm nguyên tắc về vải may có xuất xứ và thực hiện tại Việt Nam trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, đến nay ngành dệt may vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm nên các DN cần tập trung vốn đầu tư cho sản xuất nguyên liệu để bảo đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu EU.

Đối với hàng thủy sản, EU cũng được xác định là thị trường lớn, giàu tiềm năng. EU sẽ áp hạn ngạch theo cam kết khi kết thúc đàm phán FTA cho lượng thủy sản của DN Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này, với thuế suất bằng 0%. Theo đó, DN của ta có thể tập trung khai thác, xuất khẩu một số mặt hàng có lợi thế để được hưởng mức thuế suất ưu đãi trên cũng như càng có lợi thế cạnh tranh khi so sánh với cùng loại sản phẩm của nước khác trên thị trường EU, bởi họ phải chịu thuế suất xuất khẩu. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao việc chuẩn bị ký kết FTA Việt Nam - EU là một thắng lợi của Việt Nam.

Song, giống như hàng dệt may, DN trong nước cũng được cảnh báo là phải bảo đảm những quy định nghiêm ngặt của các nhà nhập khẩu EU; nhất là xét về góc độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn cử, hàng thủy sản xuất sang EU phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan kiểm định chất lượng, được lấy mẫu và phân tích một cách đầy đủ, khoa học rồi đối chiếu với những thông số theo quy chuẩn. Đương nhiên, sẽ không có chỗ cho sản phẩm tồn dư hàm lượng kháng sinh, tạp chất.

Theo Bộ Công thương, hiện có 461 DN Việt Nam đủ điều kiện cấp phép xuất khẩu thủy sản vào EU, trở thành lực lượng nòng cốt về xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định cho hoạt động đánh bắt, chế biến thủy sản trong nước. Tác dụng và hiệu ứng tích cực tiếp theo là sự bảo đảm về việc làm, thu nhập; góp phần duy trì an sinh xã hội bền vững đối với nhiều địa phương… Thiết nghĩ, các DN xuất khẩu thủy sản cần nâng cấp trình độ quản lý, nhất là nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng, thường xuyên thu thập thông tin trong đó tập trung phân tích, đánh giá "gu" tiêu dùng của người dân EU. Đặc biệt, cần đầu tư thỏa đáng cho việc hình thành, vận hành có hiệu quả của bộ phận pháp lý để sẵn sàng xử lý, có phương án ứng phó với những trường hợp nảy sinh tranh chấp, hoặc khiếu kiện từ phía đối thủ nước ngoài.

Hồng Sơn