Nỗi lo còn đó
Du lịch - Ngày đăng : 07:13, 22/08/2015
Mới đây, Giáo sư Philip Kotler, một chuyên gia về thương hiệu, khi nếm thử các món ăn Việt Nam đã đưa ra lời khuyên: "Hãy biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới" với ngụ ý Việt Nam nên lấy ẩm thực để xây dựng thương hiệu du lịch. Thế nhưng, liệu du khách có thể yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong các món ăn Việt?
Du khách nước ngoài thưởng thức món ăn đường phố. |
Chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
David Berse, khách du lịch người Mỹ, rất thích các món ăn Việt Nam như bún chả, bánh mì thịt nướng, phở... nhưng trải nghiệm "kinh hoàng" về cách phục vụ của một chủ quán ở Hà Nội đã khiến anh nản lòng. David kể, một lần, anh ăn bún chả ở một con phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Khi vừa ăn xong và chuẩn bị đứng lên thì có một cô gái bước vào. Chị chủ quán, tay đeo găng, cầm giẻ lau bàn và dọn bát đĩa cho anh rồi vẫn với bàn tay đeo găng đó, chị bốc bún cho khách. Cô gái phản ứng thì chị chủ quán lập tức to tiếng. Chứng kiến cảnh tượng ấy, anh thực sự choáng váng vì với anh và đa số du khách nước ngoài, món ăn ngon trước hết phải bảo đảm vệ sinh.
Hiện nay, khách du lịch chủ yếu dùng đồ ăn tại các nhà hàng, khách sạn hoặc ngay trên đường phố. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho biết, tính đến tháng 6-2015, cả nước có 18.600 cơ sở lưu trú, trong đó có 5.936 khách sạn từ 1 đến 5 sao và 6.000 cơ sở đạt tiêu chuẩn. "Cho tới nay, ở khối khách sạn chưa phát hiện ra trường hợp bị ngộ độc hay khiến du khách lo lắng vì những nơi này đều có giấy phép và thực hiện khá tốt quy định về ATVSTP" - bà Nguyễn Thị Thanh Bình khẳng định. Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, nỗi sợ về ATVSTP chủ yếu liên quan đến thức ăn đường phố bởi thực phẩm đầu vào của loại thức ăn này khó bảo đảm và thường được chế biến bởi những người thiếu kiến thức về ATVSTP.
Trên thực tế, thức ăn ở các khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn cũng chưa chắc đã bảo đảm ATVSTP. Thực phẩm cung ứng cho các đơn vị này có nguồn gốc từ nhập khẩu, các trung tâm cung cấp thực phẩm sạch trong nước và trên thị trường tự do. Số khách sạn dùng nguồn thực phẩm nhập khẩu (được coi là bảo đảm) với khối lượng lớn không nhiều, chủ yếu là các khách sạn từ 3 sao trở lên. Phần lớn các khách sạn sử dụng thực phẩm các cơ sở trong nước hoặc trôi nổi trên thị trường. Trong ba nguồn thực phẩm nói trên thì nguồn thực phẩm từ thị trường tự do là nguy hiểm nhất. Sản phẩm rau xanh đem lại nỗi lo bởi nhiều nông dân phun thuốc trừ sâu không theo quy định hoặc không bảo đảm thời gian cách ly cần thiết từ khi phun lần cuối đến khi thu hái sản phẩm. Sản phẩm thịt cũng không khá hơn bởi không ít người nuôi dùng thuốc kích thích, ví dụ như sử dụng chất tạo nạc cho lợn, hóa chất tăng trọng lượng cho tôm...
Nỗi lo của các công ty lữ hành
Ông Lê Phong Trần, Giám đốc thị trường Công ty Du lịch quốc tế Fiditour cho biết, tiêu chí để lựa chọn nhà hàng, khách sạn phục vụ khách của công ty là nhà hàng, khách sạn phải có giấy chứng nhận về ATVSTP do Sở Y tế cấp. Ở các đô thị lớn, việc lựa chọn khá thuận lợi bởi những nơi này có hệ thống dịch vụ du lịch đa dạng, cao cấp và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với những điểm đến còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa hoàn thiện thì việc lựa chọn dịch vụ ăn uống an toàn cho khách thực sự khó khăn hơn rất nhiều.
Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Five Stars Travel chia sẻ rằng, việc bảo đảm ATVSTP cho khách là một nỗi lo lớn của các công ty lữ hành vì vẫn xảy ra tình trạng du khách bị ngộ độc thực phẩm. "Cái khó của công ty du lịch là không thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm và cách chế biến của từng nhà hàng. Ngay cả với nhà hàng có giấy chứng nhận bảo đảm ATVSTP thì khi vào mùa du lịch, số lượng khách tăng vọt, không ai dám chắc quy trình chế biến thực phẩm sẽ được thực hiện như lúc bình thường, nhất là một bộ phận nhà hàng có tư duy "ăn xổi", không quan tâm giữ chữ tín. Chính vì lẽ đó, chúng tôi phải lựa chọn nhà hàng thông qua thông tin từ các công ty lữ hành khác và qua phản hồi của khách hàng mà thôi", ông Lương Duy Doanh khẳng định.
Theo các chuyên gia du lịch, ATVSTP liên quan đến nhiều khâu, nhiều người và du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do vậy ngoài những biện pháp mang tính cưỡng bức đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì điều quan trọng là cần tuyên truyền giáo dục ý thức, trách nhiệm về ATVSTP cho người dân, đặc biệt là chủ thể kinh doanh, nhà cung cấp thực phẩm cho thực khách và các doanh nghiệp du lịch. Trong Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch ngày 2-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện đúng quy định về ATVSTP, bảo đảm vệ sinh tại khu vực chế biến và phục vụ khách. Ở các khu vực có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các khu phố trung tâm ẩm thực, UBND các cấp cần tăng cường quản lý, bảo đảm ATVSTP; tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Với sự chỉ đạo quyết liệt này, hy vọng trong thời gian tới, vấn đề ATVSTP cho du khách sẽ được cải thiện dần.