Không tránh nổi “vết xe đổ”

Thế giới - Ngày đăng : 06:54, 22/08/2015

(HNM) - Không tránh nổi


Ngày 21-8, sau khi nhận được đơn từ chức của Thủ tướng A.Tsipras, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos đã yêu cầu các đảng phái trong Quốc hội thành lập một chính phủ lâm thời cho đến khi cuộc bầu cử trước thời hạn được tổ chức (dự kiến vào ngày 20-9 tới). Người có khả năng nắm tạm quyền điều hành trong chính phủ quá độ là nữ Chủ tịch Tòa án Tối cao Hy Lạp Vassiliki Thanou-Christofilou.

Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras (trái) gặp Tổng thống P.Pavlopoulos đệ đơn từ chức.


Lên cầm quyền nhờ vào sự ủng hộ của phần đông các cử tri vốn rất tin tưởng vào cam kết chống "thắt lưng, buộc bụng", thời gian đầu trên cương vị Thủ tướng, ông A.Tsipras đã cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận có lợi hơn xứ sở các vị Thần. Nhưng, cuối cùng, vị thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Hy Lạp đã phải "đầu hàng" trước sức ép của bộ ba chủ nợ gồm: Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để được nhận gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro. Đây được cho là "chiếc phao" duy nhất để đất nước hơn 10 triệu dân thoát nguy cơ vỡ nợ và ra khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, nhận gói cứu trợ cũng đồng nghĩa với việc Athens phải thực hiện thêm các biện pháp cải cách kinh tế khắc khổ - một chính sách đi ngược với kỳ vọng của số đông cử tri và nhiều thành viên trong đảng Syriza cầm quyền.

Giới phân tích cho rằng, quyết định từ chức của Thủ tướng A.Tsipras làm gia tăng bất ổn chính trị ở Hy Lạp vào đúng ngày nước này bắt đầu nhận giải ngân từ gói cứu trợ thứ ba. Hy Lạp đã trả được khoản nợ đáo hạn ngày 20-8 cho ECB. Vì thế, ngày 21-8, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng Tài chính Eurozone, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, đã cảnh báo Hy Lạp phải tuân thủ các điều khoản có trong thỏa thuận cứu trợ bất chấp cuộc tổng tuyển cử sớm; đồng thời kêu gọi Quốc hội Hy Lạp ủng hộ chương trình cứu trợ và các biện pháp cải cách.

Với quyết định từ chức, Thủ tướng A.Tsipras đã chơi một "canh bạc" với sự nghiệp chính trị của mình. Thứ nhất, quyết định này sẽ giúp dập tắt sự phản đối của nhiều thành viên theo quan điểm chống "thắt lưng, buộc bụng" trong nội bộ đảng cánh tả Syriza cầm quyền. Vì nếu bầu cử trước thời hạn diễn ra vào ngày 20-9 như dự kiến, Syriza sẽ không còn nhiều thời gian để chuẩn bị chiến dịch vận động tranh cử và cũng chưa có gương mặt nào "sáng giá" có thể vượt qua được ông A.Tsipras vào thời điểm hiện tại. Để giành được vị trí dẫn đầu trên "đường đua", cách tốt nhất mà Syriza phải làm là đoàn kết để huy động sức mạnh. Tuy nhiên, những toan tính của ông A.Tsipras không được như mong đợi. Ngày 21-8, 25 nghị sĩ của đảng cánh tả Syriza cầm quyền ở Hy Lạp đã tách ra để thành lập một đảng mới với tên gọi: "Đoàn kết nhân dân", do cựu Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis lãnh đạo. Đảng này sẽ trở thành lực lượng lớn thứ ba trong Quốc hội Hy Lạp gồm 300 thành viên, đứng trên cả các đảng "To Potami" và đảng cực hữu "Bình minh Vàng". Thứ hai, cuộc bầu cử sắp tới là cơ hội để ông A.Tsipras kiểm chứng sự ủng hộ của cử tri Hy Lạp với gói cứu trợ vừa đàm phán. Nếu tiếp tục được tín nhiệm, cuộc bầu cử có thể cho phép ông A.Tsipras trở lại ghế Thủ tướng ở một vị thế mạnh hơn mà không vấp phải sự phản đối của các cử tri và thành viên đảng Syriza vốn chưa dừng chống lại thỏa thuận đã ký với chủ nợ. Bằng không, chiếc ghế Thủ tướng sẽ phải nhường cho những ứng cử viên khác.

Như vậy, dù ông A.Tsipras có tái cử hay không thì câu chuyện "cơm áo gạo tiền" đang diễn ra tại xứ sở các vị Thần vẫn là một thiên tiểu thuyết chưa có hồi kết. Và, nó có thể khiến các nhà lãnh đạo Châu Âu và giới đầu tư phải điên đảo.

Quỳnh Dương